DetailController

Kinh tế

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh

15/06/2022 00:00
Ngày 22/12/2017, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 35 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn. Đây trở thành “kim chỉ nam” hành động cho các địa phương bắt tay vào triển khai công tác dồn điền, đổi thửa, thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp từ manh mún sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn của địa phương.
Nông dân Yên Thủy dồn điền, đổi thửa để hình thành vùng trồng mía quy mô lớn

Thực hiện nhiệm vụ BTV Tỉnh ủy giao tại Chỉ thị số 35, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 141, ngày 06/11/2018 về dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trên cơ sở đó, các địa phương đã bám sát nội dung, tổ chức phân cấp thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong vận động, tuyên truyền thực hiện đến người dân nên đã tạo được sự đồng thuận cao trong quần chúng Nhân dân.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến tháng 6 năm 2022, toàn tỉnh dồn điền, đổi thửa được 6.037,81 ha, chiếm 7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh; trong đó: Diện tích dồn điền trước khi có kế hoạch 141/KH-UBND là 3.741 ha; diện tích dồn điền, đổi thửa sau khi có kế hoạch là 2.296,81 ha. Kinh phí thực hiện dồn điền, đổi thửa được các địa phương lồng ghép, sử dụng linh hoạt từ các nguồn; tập trung chủ yếu một số hoạt động chính như công tác tuyên truyền, trích đo, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất ...

Công tác dồn điền, đổi thửa đã mang lại hiệu quả rõ nét. Tại những địa bàn đã thực hiện dồn điền đổi thửa đã khắc phục được cơ bản tình trạng manh mún ruộng đất của các hộ dân, số thửa đất bình quân/hộ đã giảm từ 40-70% (từ 7-11 thửa/hộ giảm còn bình quân 2,5-3,5 thửa/hộ và mỗi xứ đồng còn 1-2 thửa/hộ sản xuất); hình thành những thửa ruộng, những cánh đồng lớn, kết hợp xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng theo quy hoạch nông thôn mới đã tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh (huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy,..). Công tác dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa, là cơ sở để kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đối với những diện tích đất trồng màu, đất nông nghiệp khác việc dồn điền, đổi thửa chủ yếu để chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cây cam, bưởi, chuối, thanh long,... (mô hình trồng cây cam, bưởi thu nhập trên 350 triệu đồng/ha/năm, thanh long, chuối trên 200 triệu đồng/ha/năm). Với diện tích đất lúa sau khi được dồn, đổi chủ yếu được chuyển đổi sang các cây trồng như: Nhãn, mía, cây ngô, cây rau mầu ngắn ngày mang lại thu nhập trung bình 200 - 250 triệu đồng/ha/năm (mô hình trồng nhãn thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm; trồng bí xanh, dưa chuột, lặc lày nhật thu nhập trên 150 triệu/ha/vụ,…).

Việc dồn điền, đổi thửa, gắn với tổ chức lại sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế tập thể (Hợp tác xã, tổ hợp tác,...) tạo điều kiện thúc đẩy cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất lúa của tỉnh đạt trên 90%; và trên 50% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp (trước 2018 hầu như chưa có diện tích thu hoạch bằng máy); bước đầu ứng dụng hiệu quả giải pháp phòng trừ dịch hại cây trồng bằng thiết bị bay không người lái (UAV) tại một số huyện như huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương dồn điền, đổi thửa; mới chỉ quan tâm thực hiện trên những diện tích bằng phẳng, có khả năng cải tạo mặt bằng, mà chưa quan tâm thực hiện theo hình thức “dồn điền nhưng không đổi thửa” hoặc “đổi thửa nhưng không dồn điền” trên những diện tích đất bậc thang, do vậy ở nhiều xã hầu như chưa thực hiện công tác này. Đồng thời, mới chỉ quan tâm thực hiện trên diện tích sản xuất lúa là chủ yếu; chưa quan tâm đến dồn, đổi thửa ở các diện tích cây màu, cây ăn quả. Chưa có chính sách riêng hỗ trợ cho hoạt động dồn điền, đổi thửa, bên cạnh đó nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, khả năng huy động nguồn lực trong dân còn hạn chế, đặc biệt kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh phí phục vụ công tác đo đạc, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn đổi lớn.

Thời gian tới, để công tác dồn điền, đổi thửa được thực hiện rộng rãi và hiệu quả hơn nữa, cần gắn chặt giữa việc thực hiện dồn điền đổi thửa, tổ chức lại sản xuất trên diện tích đã dồn điền đổi thửa với quá trình quy hoạch, xây dựng nông thôn mới. Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, liên thôn, liên xóm để phục vụ cho sản xuất sau dồn điền, đổi thửa. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, Hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên các khu vực đã thực hiện dồn điền, đổi thửa. Huy động các nguồn lực để hỗ trợ và thúc đẩy thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa./.