Theo đó, đổi mới nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chính sách BHXH, BHYT. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 65% lực lượng lao động trong độ tuổi được tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW và các quy định mới của Trung ương; đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi được tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện, ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện. Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh phát triển người tham gia BHXH, BHTN đạt 100% theo mục tiêu tại Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 14/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh; tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 100% theo Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 16/6/2022.
Thực hiện tốt chế độ BHXH, BHTN cho các tổ chức, cá nhân theo quy định; quản lý, sử dụng quỹ BHXH an toàn và hiệu quả; tổ chức thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, bảo đảm sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT có hiệu quả, trong phạm vi dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm. Thực hiện tốt cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử (qua môi trường mạng Internet) về BHXH, BHYT, BHTN. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN.
Để đạt được mục tiêu trên, các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tiếp tục tuyên truyền quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Tỉnh ủy Hòa Bình về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN để người lao động hiểu rõ về quyền, lợi ích, trách nhiệm tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, nhất là các quyền lợi của chế độ hưu trí, lợi ích bảo lưu thời gian tham gia BHXH, hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần. Đổi mới, đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền, vận động đảm bảo phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn tại các vùng miền, đặc thù về văn hóa, phong tục tập quán. Kết hợp các hình thức tuyên truyền truyền thống với các hình thức truyền thông mới, truyền thông số, truyền thông đa phương tiện; kết hợp giữa hình thức tuyên truyền thường xuyên với hình thức tuyên truyền theo đợt/chiến dịch nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, người dân. Tăng cường quản lý Nhà nước trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đặc biệt là tại các đơn vị sử dụng lao động nợ đọng, chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN và các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN theo quy định hiện hành.
Phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN để nâng cao diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN của tỉnh. Xây dựng và đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hằng năm, 05 năm của tỉnh, huyện, thành phố và chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra. Căn cứ khả năng ngân sách của tỉnh, nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, một số đối tượng BHYT ngoài mức hỗ trợ của Chính phủ, để khuyến khích người dân tham gia, nâng cao diện bao phủ BHXH, BHYT tại địa phương. Nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng lao động, người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin quản lý BHXH, BHYT, BHTN, khám chữa bệnh BHYT phục vụ cho việc quản lý và giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia công tác xã hội hóa trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực đội ngũ thầy thuốc gắn với y đức nghề nghiệp, cải cách thủ tục hành chính trong công tác khám chữa bệnh BHYT./.