DetailController

Kinh tế

Tăng cường quản lý và hoạt động khoáng sản

24/05/2022 00:00
Những năm qua, công tác quản lý và hoạt động khoáng sản, công nghiệp khai khoáng của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về tài nguyên khoáng sản được nâng lên. Hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đã làm rõ tiềm năng, trữ lượng của nhiều loại khoáng sản quan trọng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao, khai thác, chế biến khoáng sản đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, góp phần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, khắc phục tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 dự án khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng và 91 Giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 dự án khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường đã được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng, chủ đầu tư đang triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định để triển khai dự án đầu tư khai thác khoáng sản; 91 Giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực. Trong đó, huyện Lương Sơn có số dự án khai thác khoáng sản nhiều nhất với 47 dự án (chiếm 51,64% tổng số giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp), thành phố Hòa Bình có 07 dự án; các huyện: Kim Bôi, Yên Thủy mỗi huyện có 06 dự án; huyện Cao Phong, huyện Lạc Sơn, huyện Lạc Thủy mỗi huyện có 05 dự án; huyện Đà Bắc, huyện Tân Lạc mỗi huyện có 04 dự án; huyện Mai Châu có 02 dự án. Tổng trữ lượng khoáng sản đã cấp phép là 386.192.193 m3 với tổng công suất thiết kế 11.718.015 m3/năm.

Tính đến tháng 3/2022, trong tổng số 91 dự án khai thác khoáng sản có Giấy phép còn hiệu lực, 64 dự án đã thực hiện đầy đủ các thủ tục có liên quan và đang tiến hành khai thác ổn định, có hiệu quả; 08 dự án đang hoàn thiện các nghĩa vụ để đưa mỏ đi vào hoạt động hoặc đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản mỏ; 19 dự án đang tạm dừng hoạt động hoặc chưa đưa mỏ vào hoạt động do vướng mắc trong việc hoàn thiện các thủ tục; 68 dự án đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư.

Các dự án khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã mang lại những hiệu quả nhất định về phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng tối đa nguồn nhân lực tại chỗ, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp thực hiện phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh. Vấn đề việc làm được giải quyết với tổng số lao động đang sử dụng khoảng 2.500 công nhân, trong đó khoảng 2.000 người là lao động địa phương (chiếm tỷ lệ 80%). Các dự  án khai thác khoáng sản được cấp phép tạo thu nhập ổn định cho người lao động với thu nhập bình quân khoảng 120.000.000 đồng/người/năm.

Công tác hỗ trợ xã hội đối với địa phương nơi khai thác khoáng sản đã được các đơn vị hoạt động khoáng sản quan tâm, như nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình phúc lợi. Theo Báo cáo của Hiệp hội khai thác đá tỉnh Hòa Bình, đến nay đã có khoảng 200 km đường nông thôn được nâng cấp hoặc làm mới; phối hợp với các xã ủng hộ làm nhà tình nghĩa, ủng hộ quỹ khuyến học, gia đình thương binh, liệt sỹ gặp khó khăn và các hoạt động văn hóa, thể thao, phong trào tại địa phương. Hoạt động sản xuất thường xuyên đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận. Bên cạnh đó, thực hiện công tác hậu kiểm về việc tuân thủ thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ, an toàn và môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, Tổ công tác liên ngành đã kiểm tra, giám sát, tham mưu UBND tỉnh xử lý, chấn chỉnh đối với các chủ đầu tư dự án vi phạm trong hoạt động đầu tư, khai thác, chế biến khoáng sản.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế như: hoạt động nổ mìn trong khai thác còn gây nhiều khói bụi và dư chấn, ô nhiễm tiếng ồn; hoạt động khai thác tại một số mỏ còn chưa tuân thủ về an toàn lao động. Hoạt động vận chuyển khoáng sản ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, gây ô nhiễm môi trường tạo dư luận xấu trong quần chúng nhân dân. Tỷ lệ nợ đọng trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đối với nhà nước vẫn còn nhiều, chiếm khoảng 10% số phải thu nộp…

Nguyên nhân là do nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của tài nguyên khoáng sản; sự phối hợp giữa các cơ quan, sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về, khoáng sản chưa thật tốt. Mặt khác, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư, sản xuất và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn. Các đơn vị đã được cấp phép khai thác tiến hành khai thác cầm chừng, có đơn vị phải dừng khai thác; một số đơn vị chưa triển khai dự án đầu tư hoặc triển khai còn chậm so với kế hoạch. Một số dự án với quy mô nhỏ và vừa, công nghệ còn lạc hậu nên việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường chưa được thực hiện đầy đủ; chưa trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ, thiết bị an toàn cho người lao động; vẫn còn để xảy ra tình trạng tai nạn, mất an toàn lao động; nổ mìn gây ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu, nhà cửa của người dân, hiện tượng ô nhiễm môi trường, xe chở quá tải làm hỏng đường dân sinh…

Thời gian tới, để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành; tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, cần tiếp tục chú trọng đối với công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Ưu tiên sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn lao động để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực này; khắc phục cơ bản những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tài nguyên địa chất, khoáng sản. Việc quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản phải bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết hợp hài hoà với bảo tồn, dự trữ cho tương lai. Tăng cường kiểm tra giám sát, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản. Hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về định hướng chiến lược địa chất khoáng sản, cụ thể hóa các quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành theo phân cấp. Ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho công trình kết cấu hạ tầng, nhất là phục vụ các công trình sử dụng ngân sách nhà nước, công trình trọng điểm quốc gia. Từ thực tế quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu đóng góp ý kiến hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với thực tiễn…/.