Thời gian qua, các lực lượng chức năng thuộc các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển, đã kiềm chế được tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên sông, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Tính đến hết năm 2014, cả nước có 900 giấy phép cấp cho các cá nhân, tổ chức khai thác, kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát, sỏi trên sông. Trong đó hơn 400 giấy phép khai thác cát còn hiệu lực; hơn 500 giấy phép bến bãi kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát do cơ quan có thẩm quyền cấp, ngoài ra còn có hàng trăm bến bãi hoạt động tự phát không được cấp phép; nhiều dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa và luồng hàng hải kết hợp với tận thu cát...
Tuy vậy, tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trên sông và cửa biển vẫn còn rất phức tạp, chưa được xử lý triệt để, nhất là tại các địa bàn giáp ranh chưa xác định địa giới hành chính trên sông hoặc xác định chưa rõ ràng giữa các địa phương như: Vĩnh Phúc với Hà Nội, Phú Thọ; Bà Rịa - Vũng Tàu với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai;... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự.
Sau khi nghe các Bộ, Ngành và địa phương báo cáo tình hình và đề xuất những giải pháp quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật khoáng sản và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản; Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, gắn liền với trách nghiệm với UBND các địa phương và cấp cơ sở trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, ngành và địa phương tùy theo chức năng nhiệm vụ và phân cấp quản lý xây dựng cơ chế, chính sách để quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên khoáng sản và các lĩnh vực khác có liên quan như thuế tài nguyên, phí, lệ phí... để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hậu quả tác hại của hoạt động khai thác, kinh doanh, xuất khẩu trái phép cát, sỏi trên sông và cửa biển. Các lực lượng chức năng nắm chắc diễn biến tình hình, phát hiện triệt phá, điều tra, xử lý nghiêm các băng, ổ, nhóm hoạt động khai thác, kinh doanh, xuất khẩu trái phép cát, sỏi trên sông và cửa biển; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh và nâng cao năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ thuộc các cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường năng lực cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, trong đó có cát, sỏi trên sông và cửa biển./.