DetailController

Kinh tế

Tăng cường quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh

17/04/2024 16:27
Tỉnh Hòa Bình có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú. Theo tài liệu các kết quả điều tra địa chất và một số kết quả tài liệu tìm kiếm, thăm dò một số điểm khoáng sản đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng, trên địa bàn tỉnh có các mỏ khoáng sản, điểm khoáng sản thuộc các nhóm khoáng sản làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu (nhà máy xi măng, nhà máy vôi…), khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát sỏi) và nước khoáng – nóng. Thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TU ngày 12/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong quản lý hoạt động khoáng sản, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tới nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước tạo sự chuyển biến lớn về công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường quản lý đối với hoạt động khoáng sản góp phần hạn chế các trường hợp vi phạm, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân, người dân và các cơ quan, tổ chức

Nhận thức của hầu hết các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản đã có sự chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã hiểu vai trò, trách nhiệm của đơn vị mình trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Từ đó có những có những kế hoạch chiến lược khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản; khai thác tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm tạo ra giá trị cao của khoáng sản, chế biến sấu khoáng sản nhằm đạt hiệu quả kinh tế và giá trị của mỏ, tạo nguồn lực chung để phát triển kinh tế xã hội địa phương và cả nước.

Trên địa bàn tỉnh Hoà Bình hiện tại có 90 điểm mỏ đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó Giấy phép khai thác do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp: 09 Giấy phép, UBND tỉnh cấp: 81 Giấy phép. Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản được ngày càng chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành rà soát các dự án khai thác kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, nợ đọng thuế, phí; các dự án đã được cấp phép khai thác, nhưng không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với nhà nước về đất đai, môi trường, tài chính… hoặc không đưa mỏ vào hoạt động; xem xét từng trường hợp cụ thể để thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản và thực hiện công tác đóng cửa mỏ theo quy định. Từ năm 2019 đến nay có 17 khu vực mỏ hết hiệu lực giấy phép, bị tước giấy phép, thu hồi giấy phép, được thực hiện quy trình thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản theo quy định.

Công tác quy hoạch đã hoàn thành Quy hoạch khoáng sản tích hợp vào quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phân loại khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm cơ sở cho công tác quản lý cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản đã phân định rõ nhiệm vụ của từng cơ quan quản lý, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành một số chính sách, quy định phù hợp thực tiễn địa phương, góp phần tạo hành lang pháp lý cơ bản đồng bộ để thực thi Luật khoáng sản năm 2010. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản được đẩy mạnh, có hiệu quả góp phần hạn chế các trường hợp vi phạm trong khai thác khoáng sản, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân, người dân và các cơ quan, tổ chức.

Các cơ chế, chính sách của pháp luật về khoáng sản đã được ban hành và phát huy hiệu quả. Ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10- NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22/7/2022 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị; đặc biệt tới đây Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Địa chất và Luật Khoáng sản tạo hành lang pháp lý cho sự quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản ngày hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu nguyên, nhiên liệu phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Do đó, khi xem xét thẩm định các dự án khai thác khoáng sản ngay từ bước thăm dò, cấp chủ trương đầu tư đã chú trọng lưu ý đến cam kết của nhà đầu tư khai thác, sử dụng khoáng sản phải bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết hợp hài hoà với bảo tồn, dự trữ cho tương lai; bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản; khắc phục cơ bản những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản hiện nay.

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, 100% các dự án đầu tư mới về khai thác khoáng sản đều được xem xét, hướng dẫn lập hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường, cấp giấy phép môi trường theo đúng quy định trước khi lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác. Theo số liệu tổng hợp kết quả thu tiền cấp quyền khai thác của cơ quan Thuế cung cấp từ giai đoạn từ 2014 đến hết tháng 01 năm 2024 các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng bao gồm: tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và các nghĩa vụ tài chính khác quy định. Các dự án khai thác khoáng sản mang lại hiệu quả về phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng tối đa nguồn nhân lực tại chỗ, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận, tăng thu ngân sách cho địa phương, trung bình hằng năm việc thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản đạt trên 150 tỷ đồng. Vấn đề tạo công ăn việc làm cho người dân được giải quyết, với tổng số lao động phục vụ trong hoạt động khoáng sản của các đơn vị khoảng hơn 2.000 lao động chủ yếu là người địa phương, thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động khai thác khoáng sản thường xuyên đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận, tăng thu ngân sách cho địa phương, trung bình hằng năm việc thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản đạt trên 150 tỷ đồng ; sau khai thác thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường bàn giao lại đất cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, tạo ra quỹ đất sạch cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Công tác quản lý nhà nước đối với các mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trong những năm qua chưa thực sự được tốt. Hoạt động khai thác khoáng sản còn những vi phạm về môi trường; quá trình vận chuyển ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông. Một số mỏ khai thác chưa đúng với thiết kế đã được phê duyệt. Công tác quy hoạch, cấp phép khai thác đất san lấp chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ các công trình dự án trên địa bàn tỉnhThời gian tới để làm tốt công tác quản lý hoạt động khoáng sản, các cấp các ngành cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 52-CT/TU ngày 12/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 119-KH/TU ngày 27/7/2022 của Tỉnh ủy Hòa Bình về việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó cần thực hiện rà soát, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản; Khuyến khích đầu tư, đổi mới đồng bộ công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường cho công tác khai thác, chế biến khoáng sản; chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng quy mô nhỏ bảo đảm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các mỏ vi phạm các quy định của pháp luật; các mỏ hoạt động ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, không chấp hành nghĩa vụ tài chính theo quy định, nợ thuế kéo dài, làm hỏng hạ tầng giao thông sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để phục vụ các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước; các công trình khắc phục thiên tai, địch họa; công trình phúc lợi thuộc chương trình nông thôn mới...Đình chỉ hoạt động của các Nhà máy gạch không có vùng nguyên liệu để sản xuất theo Thông báo số 640-TB/VPTU ngày 16/8/2021 và chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2020-2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTr ngày 18/8/2020. Nghiên cứu đánh giá các mỏ đang hoạt động, trên cơ sở điều kiện phát triển kinh tế xã hội địa phương và các tác động, ảnh hưởng đến người dân và môi trường xung quanh để khoanh định những vùng, những khu vực được phép nâng công suất khai thác, những khu vực không được phép nâng công suất…./.