Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản trên địa bàn được giao quản lý, đặc biệt là các cơ sở được cấp giấy Chứng nhận VietGAP, hữu cơ nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện quy trình VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ theo đúng phạm vi được chứng nhận; thể hiện các thông tin trung thực về sản phẩm được chứng nhận trên nhãn hàng hóa.
Giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất được cấp giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ trong việc sử dụng mã số, logo đối với các sản phẩm đã được chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Nghiêm cấm việc sử dụng mã số, logo chứng nhận VietGAP, hữu cơ cho các sản phẩm không thuộc vùng đã được thẩm định, đánh giá và chứng nhận.
Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế Thành phố phối hợp với các phòng chuyên môn cấp huyện và Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tiến hành việc kiểm tra, giám sát tại các vùng sản xuất; các cơ sở được chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Phối hợp trong việc thanh tra, kiểm tra và truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối và các địa điểm tiêu thụ thực phẩm tại các trường học, khu công nghiệp...
Thường xuyên kiểm tra việc lưu thông hàng hóa nông, lâm, thủy sản trên địa bàn, xử lý nghiêm với các hàng hóa không có chứng từ và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Yêu cầu các Chi cục thuộc Sở: Thường xuyên theo dõi, phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện giám sát và kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong vùng sản xuất và cơ sở được cấp quy trình VietGAP, hữu cơ tại các tổ chức và cá nhân đã được chứng nhận.
Tăng cường công tác lấy mẫu giám sát về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại các tổ chức, cá nhân được chứng nhận VietGAP; hữu cơ. Tuyên tuyền về lợi ích của việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc dán trên sản phẩm được chứng nhận, nhằm bảo vệ thương hiệu của sản phẩm, tránh bị trà trộn của các sản phẩm cùng loại nhưng chưa được chứng nhận an toàn thực phẩm.
Cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông; các phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về vấn đề an toàn thực phẩm để kịp thời xử lý những vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện có phát sinh những vấn đề vướng mắc, đề nghị phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) để phối hợp, giải quyết theo quy định.
* Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong 9 tháng đầu năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản trên địa bàn tỉnh cho thấy. Tổng số lượng mẫu đã lấy: 239 mẫu (rau, quả, thịt lợn, thịt Gà, thủy sản, giò chả...), trong đó có 156 mẫu nông sản (Rau, quả, thịt lợn, thịt gà, thủy sản, giò chả) được lấy tại vùng sản xuất hoặc cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh, chiếm 65,3%. Kết quả phân tích có: 7/239 mẫu vi phạm về chất lượng, chiếm 2,9% (01 mẫu thịt gà, 05 mẫu thủy sản, 01 mẫu rau). Qua quá trình truy xuất nguồn gốc đối với mẫu vi phạm về ATTP, cho thấy có 02 mẫu (thủy sản) được sản xuất trên địa bàn tỉnh; 05 mẫu được nhập từ các tỉnh khác. Xử lý vi phạm hành chính 04 cơ sở với số tiền là trên 50 triệu đồng. Tuy tỷ lệ vi phạm 9 tháng đầu năm có giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm.