Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hiện nay tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta còn nhiều phức tạp, khó lường. Nổi lên là tình hình nghiện trong thanh niên và một số đối tượng người dân, đặc biệt ở các thành phố lớn, địa bàn đông dân cư. Việc cai nghiện tại các địa phương chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức. Số người sử dụng ma túy đá tăng. Thủ tướng đề nghị các địa phương thẳng thắn báo cáo đúng thực trạng cơ sở đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất để giải quyết vấn đề này.
Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2016 tình trạng vận chuyển ma túy tổng hợp từ Lào về Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, gấp 4,6 lần so với năm 2015. Tình hình mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp nhất là ma túy dạng đá tiếp tục tăng.
Theo báo cáo của các địa phương, toàn quốc thống kê được 210.751 người nghiện ma túy, tăng 10.617 người so với năm 2015. Trong đó 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội, 13,5% người trong các cơ sở cai nghiện, 19% người đang trong trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
Trong năm, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 20.672 vụ, bắt 32.616 đối tượng phạm tội về ma túy, tăng 5,6% về số vụ, 8,1% về số đối tượng so với năm 2015.
Từ khi bắt đầu triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone năm 2008 tới nay cả nước đã có 62/63 tỉnh, thành phố với 274 cơ sở và điều trị cho 50.663 bệnh nhân. Tuy nhiên nhiều địa phương ngân sách cấp cho chương trình này còn thấp; khó khăn cơ sở vật chất điều trị cai nghiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nhiều ý kiến tại hội nghị của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan; giao bộ, cơ quan liên quan tổng hợp thành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác này. Thủ tướng biểu dương nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trong thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng tình hình hiện nay phức tạp, nhiều dạng ma túy mới xuất hiện, gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, các cấp, ngành phải nhận thức được những bất cập, khó khăn trong công tác này, để từ đó có nghị quyết, chương trình, biện pháp cụ thể hơn nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nữa, không để ma túy lan tràn trong xã hội; bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác này.
Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần quán triệt tinh thần, nâng cao nhận thức, coi tội phạm ma túy là vấn đề bức xúc của xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng, chính vì vậy, cả hệ thống chính trị, xã hội, gia đình phải kiên quyết vào cuộc, đấu tranh, ngăn chặn tệ nạn này; xác định rõ đấu tranh PCMT phải là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài, được đặt dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Các tỉnh phải có chương trình hành động cụ thể để ngăn chặn tình trạng, hiểm họa ma túy. Về nguồn lực, từng địa phương phải có dự toán để phục vụ cho công tác này; coi trọng huy động các nguồn lực khác từ các tổ chức quốc tế; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu, tìm nguồn bổ sung kinh phí cho công tác này. Nghiên cứu thành lập Tòa án ma túy. Các lực lượng chức năng tăng cường tiến công, trấn áp tội phạm ma túy, nhất là trong vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ, tập trung vào những chuyên án điểm, nhất là những vụ ma túy “đá”; truy tố, xét xử nghiêm những đối tượng cầm đầu trong các vụ án. Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục xét xử nghiêm minh các vụ án ma túy, không khoan nhượng. Các cơ quan Quốc hội phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi luật phù hợp, nâng cao hiệu quả trong việc tăng cường giám sát, đấu tranh phòng chống ma túy. Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền vận động trong xã hội, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy./.