DetailController

Văn hóa

Tăng cường nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện khai thác tốt tiềm năng du lịch

12/12/2017 00:00
Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, xóa đói - giảm nghèo, tăng nguồn thu ngân sách, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường... do đó, hoạt động du lịch của tỉnh Hòa Bình thời gian qua được tăng cường đầu tư, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng.
Khu du lịch hồ Hòa Bình đang được đầu tư phát triển để xứng tầm với tiềm năng

Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 173 điểm di tích, danh lam thắng cảnh được quản lý bảo vệ, trong đó có 41 di tích cấp quốc gia và 30 di tích cấp tỉnh, nhiều hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ; có 04 Khu bảo tồn thiên nhiên là Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Thượng Tiến, Pu Canh, Hang Kia - Pà Cò, vùng tiếp giáp với Vườn quốc gia Cúc Phương; Vườn quốc gia Ba Vì rất đa dạng về sinh học, hệ thống thực vật phong phú... Cùng nguồn nước khoáng nóng chất lượng như Kim Bôi, Quý Hòa Lạc Sơn, Ngọc Lương Yên Thủy... có tiềm năng phát triển thành những khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chữa bệnh hấp dẫn. Hồ Hòa Bình có diện tích mặt nước khoảng 8.000 ha, dung tích 9,5 tỷ m3 với nhiều đảo lớn nhỏ tạo nên phong cảnh sông nước hữu tỉnh có tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bên cạnh đó, Hòa Bình là vùng đất cổ được đặt tên cho nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới cách đây hàng chục vạn năm. Hòa Bình hiện còn bảo tồn, lưu giữ hàng trăm chiếc Trống đồng và gần 10 ngàn chiếc Chiêng quý giá. Hòa Bình cũng là nơi sản sinh và còn lưu giữ được những áng Mo sử thi “Đẻ đất - Đẻ nước” của người Mường. Các dân tộc ở Hòa Bình có bản sắc văn hóa riêng trong phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống đặc sắc và nhiều lễ hội dân gian các dân tộc.

Với lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng về tài nguyên du lịch, từ năm 1991 đến nay, tỉnh Hòa Bình đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, ban hành những cơ chế chính sách ưu đãi để khuyến khích thu hút đầu tư phát triển du lịch. Nguồn vốn từ T.Ư và địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí 117.505 tỷ đồng. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 30 khu, điểm du lịch; trên 374 cơ sở lưu trú với tổng số hơn 3.300 phòng, trong đó 34 khách sạn (4 khách sạn 3 sao, 18 khách sạn 2 sao, 12 khách sạn 1 sao), 235 nhà nghỉ, 105 hộ kinh doanh nhà nghỉ du lịch cộng đồng đạt chuẩn. Một số khu, điểm du lịch hấp dẫn du khách như: Khu du lịch Chùa Tiên (huyện Lạc Thủy); Khu du lịch Hồ Hòa Bình; các điểm du lịch cộng đồng người Thái (huyện Mai Châu), người Mường (huyện Cao Phong, Tân Lạc); sân golf Phượng Hoàng.

Cùng với đó, nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch những năm gần đây tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu khách tham quan du lịch đến các khu, điểm du lịch và các nhà hàng, khách sạn. Hiện, số lao động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh tăng lên gần 5.000 lao động (hơn 2.000 lao động trực tiếp và gần 3.000 lao động gián tiếp), số lao động đã qua đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch đạt gần 70%. Kết cấu hạ tầng giao thông có các trục đường Quốc lộ 6,21,15 gắn kết với hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh đến với 100% xã có đường ô tô. Hệ thống giao thông đường thủy trên sông Đà, Hồ Hòa Bình, sông Bôi có khoảng 200 phương tiện tàu, thuyền vận chuyển khách du lịch đảm bảo thuận tiện cho phát triển du lịch. Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành hiện nay có sự tham gia của các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh liên kết các tour đưa khách du lịch đến với các khu, điểm du lịch của tỉnh và một số tỉnh trong khu vực Tây Bắc. Khách du lịch đến Hòa Bình quy trì tăng trưởng bình quân khá cao gần 20%/năm.

Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình kết hợp hài hòa các nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch, thực hiện mục tiêu hình thành các sản phẩm du lịch chất lượng và độc đáo, tăng nhanh tỷ trọng du lịch trong cơ cấu kinh tế, gắn phát triển du lịch với tạo việc làm, nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế. Đưa du lịch Hòa Bình từng bước phát triển hội đủ điều kiện trở thành một ngành kinh tế quan trọng, có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và tạo tiền đề vững chắc phát triển du lịch trong thời kỳ mới./.