Các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, các nguồn thải, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từng bước được kiểm soát; đã khắc phục, xử lý cơ bản các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Môi trường tại các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, khu dân cư được cải thiện. Công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ngày càng được củng cố, phát huy. Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đạt hoặc vượt so với mục tiêu đề ra như: Xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (trên địa bàn tỉnh không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng); tình trạng ô nhiễm môi trường về cơ bản đã được hạn chế, kiểm soát, chất lượng môi trường được cải thiện. Năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từng bước được nâng cao. Nhiệm vụ quản lý bảo vệ môi trường đã có chiều sâu; công tác phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường được quan tâm kịp thời xử lý. 100% rác thải y tế được thu gom xử lý; 96,7% rác thải nguy hại được xử lý; 95,3% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác triển khai thực hiện phong trào “Chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xây dựng hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, công khai, minh bạch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện mô hình liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt/xác nhận hồ sơ về môi trường, thẩm định công nghệ, cấp phép đầu tư, xây dựng các dự án. Tăng cường phân công, phân cấp về bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của cộng đồng, các cấp ủy đảng, chính quyền cấp cơ sở trong công tác bảo vệ môi trường.
Tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy nhanh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường từ các doanh nghiệp, xã hội hóa để huy động các nguồn lực địa phương, tích cực tranh thủ nguồn lực Trung ương và các tổ chức quốc tế. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế; khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học về phương pháp xử lý chất thải, biến nguồn chất thải thành nguồn tài nguyên có ích cho phát triển kinh tế xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, cảnh báo và kiểm soát ô nhiễm. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu khai thác khoáng sản, làng nghề, lưu vực sông, khu dân cư, đô thị; có phương án di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp. Đánh giá cụ thể mức độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, làm cơ sở đề xuất mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo, đảm bảo phù hợp với các nhiệm vụ, giải pháp về môi trường tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025./.