DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Tăng cường hoạt động cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói

25/05/2023 15:28
Ngày 23/5/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số 1275/SNN-TTBVTV gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Các Chi cục: Trồng trọt và BVTV; Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp mã số về tăng cường hoạt động cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Bám sát và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được giao theo Quyết định số 2433/QĐ-UBND ngày 26/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình. Đồng thời phân công, chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện thực hiện tốt một số nội dung sau:

Đối với việc đăng ký, cấp và quản lý mã số vùng trồng:

Phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất đáp ứng các yêu cầu chung của vùng trồng, bao gồm: Vùng trồng sản xuất một hoặc nhiều loài cây trồng, có thể bao gồm một hoặc nhiều điểm sản xuất được kiểm soát chung bởi một tiêu chuẩn hoặc quy trình sản xuất cho mỗi loài cây trồng hoặc nhóm cây trồng.

Về Quy mô (tối thiểu): Cây trồng lâu năm: 01 ha. Cây trồng hằng năm: 0,1 ha.

Vùng trồng đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12.

Có đầy đủ thông tin trong giấy đăng ký mã số vùng trồng (theo mẫu số 01); quản lý và cập nhật theo vụ/chu kỳ thu hoạch các thông tin về truy xuất nguồn gốc (ghi chép đầy đủ sổ nhật ký canh tác).

Vùng trồng chỉ được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón trong danh mục được phép sử dụng hay được phép lưu hành tại Việt Nam; tuân thủ nguyên tắc trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.

Có biện pháp thu gom bao bì thuốc BVTV và bao bì phân bón sau khi sử dụng theo quy định.

Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) hoặc quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). 

Ngoài ra, đối với vùng trồng phục vụ xuất khẩu cần đáp ứng thêm các yêu cầu sau:

Đáp ứng đủ các yêu cầu tại tờ khai kỹ thuật (mẫu số 04).

Vùng trồng áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), vùng trồng sản xuất chủ yếu một loại cây trồng (chỉ cấp mã số cho một loại cây trồng chủ yếu), có quy trình sản xuất chung và sử dụng thống nhất một quy trình quản lý sinh vật gây hại.

Diện tích vùng trồng tối thiểu là 10 ha, trừ trường hợp nước nhập khẩu có yêu cầu khác theo từng mặt hàng cụ thể.

Diện tích các sản phẩm trồng trong nhà kính, nhà lưới hoặc các sản phẩm dược liệu thì tùy theo thực tế của địa phương trên cơ sở đảm bảo quy mô sản xuất hàng hóa và khả năng kiểm soát sinh vật gây hại.

Không sử dụng các hoạt chất cấm theo quy định của nước nhập khẩu.

Các hộ tham gia có ít nhất 01 người/hộ được tập huấn về quy định an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu về điều tra, nhận diện, phòng chống sinh vật gây hại và ghi chép hồ sơ; hồ sơ tập huấn được lưu lại đầy đủ.

Báo cáo kết quả giám sát ruồi đục quả 3 tháng liên tục trước khi đề nghị cấp/duy trì mã số đối với một số nước nhập khẩu (có yêu cầu cụ thể); ghi chép hồ sơ sinh vật gây hại theo ISPM 06 đối với các nước nhập khẩu yêu cầu (ghi rõ thông tin về phạm vi giám sát, đối tượng giám sát, thời gian giám sát, phương pháp giám sát có thể bằng cách sử dụng các loại bẫy hoặc chất dẫn dụ, kết quả giám sát).

Các bước đăng ký cấp mã số vùng trồng:

Bước 1: Các tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng truy cập vào địa chỉ https://csdltrongtrot.mard.gov.vn sau đó nhập thông tin đầy đủ theo hướng dẫn trên hệ thống.

Hoặc gửi giấy đăng ký cấp mã số vùng trồng theo mẫu số 01 đến cơ quan quản lý chuyên môn cấp huyện.

Bước 2: Cơ quan chuyên môn cấp huyện kiểm tra tính đầy đủ hồ sơ, sổ nhật ký canh tác và thực tế vùng trồng (trường hợp đăng ký trực tuyến theo bước 1 thì do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thẩm định).

Bước 3: Cơ quan chuyên môn cấp huyện tổng hợp kết quả sơ bộ và danh sách vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng (mẫu số 03) có hồ sơ kèm theo gửi về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

Bước 4: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thẩm định, kiểm tra hồ sơ và thực tế vùng trồng (mẫu số 02), thực hiện cấp mã số vùng trồng theo quy định.

(Trường hợp vùng trồng đề nghị cấp mã số phục vụ xuất khẩu: áp dụng Tờ khai kỹ thuật theo mẫu số 04, Biên bản kiểm tra theo mẫu số 05).

 Đối với việc đăng ký, cấp, quản lý mã số cơ sở đóng gói: Chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trong kiểm tra và quản lý, giám sát mã số cơ sở đóng gói; các bước cụ thể như sau:

Bước 1: Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp mã số cơ sở đóng gói gửi Tờ khai kỹ thuật đối với cơ sở đóng gói và các tài liệu kèm theo (mẫu số 06) đến cơ quan chuyên môn cấp huyện.

Bước 2: Cơ quan chuyên môn cấp huyện tổng hợp danh sách đề nghị cấp mã số gửi đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kèm theo hồ sơ của cơ sở đề nghị cấp mã số.

Bước 3: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thẩm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế cơ sở đóng gói và cấp mã số cơ sở đóng gói cho cơ sở đạt yêu cầu.

Đối với việc tiếp nhận, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và chế độ thông tin báo cáo:

Tiếp nhận các mã số đã được cấp và thông báo tới cơ sở sản xuất

Chịu trách nhiệm chính trong việc báo cáo, lập hồ sơ theo dõi, quản lý, giám sát vùng trồng được cấp mã số, giám sát việc duy trì và sử dụng mã số được cấp.

Tổ chức giám sát định kỳ tối thiểu 01 lần/năm hay mỗi vụ sản xuất; thực hiện giám sát đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan cấp mã số hoặc của nước nhập khẩu đối với mã số đã cấp (Chi tiết nội dung biên bản giám sát vùng trồng tại mẫu số 02; đối với giám sát mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu áp dụng theo mẫu số 05).

Thực hiện công tác điều tra phát hiện và hướng dẫn cơ sở phòng trừ kịp thời các sinh vật gây hại, đảm bảo đúng quy định về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và an toàn thực phẩm.

Thực hiện chế độ thông tin báo cáo 6 tháng (trước 15/6) và hàng năm (trước 15/12) hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để tổng hợp báo cáo theo quy định. (Đề cương báo cáo tại mẫu số 07).

Hàng quý xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ (hoặc đột xuất) các vùng trồng và cơ sở đóng gói gửi về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để tổng hợp, phối hợp thực hiện./.