DetailController

Khoa học - Môi trường

Tăng cường công tác quản lý về hoạt động khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường

31/08/2021 00:00
Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nhằm bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hằng năm, tỉnh phát động các phong trào hưởng ứng ngày môi trường, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp Nhân dân tham gia.

Trong đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyền truyền, quản lý tài nguyên nước và tài nguyên đất, khoáng sản, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý đảm bảo việc khai thác khoáng sản, khai thác quỹ đất có hiệu quả, tiết kiệm, bền vững. Công khai các thông tin về quy hoạch đất đai, tài nguyên khoáng sản và các văn bản hướng dẫn trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và website của Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện gắn với quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Tỉnh ta đã đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lần đầu, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các địa phương đã hoàn thành đo đạc bản đồ địa chính. Trong giai đoạn 2016-2020, các đơn vị chức năng cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dung đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho 172 tổ chức với diện tích trên 1.900 ha; cấp đổi Giấy chứng nhận cho đến 102 tổ chức với diện tích trên 36 ha. Thực hiện giải quyết các nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai cho 350 tổ chức, cá nhân.

Các cơ quan chức năng và các đơn vị sản xuất thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp khắc phục các tồn tại về lĩnh vực bảo vệ môi trường (về quy trình xử lý bụi, tiếng ồn, nước thải…). Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 95 dự án khai thác khoáng sản và 224 giấy phép hoạt động tài nguyên nước còn hiệu lực. Trong đó, có 22 Giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và và 303 giấy phép do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp. 100% các đơn vị được cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản đều lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường. Đa số các dự án khai thác khoáng sản đã lập dự án, đề án cải tạo phục hồi môi trường và thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định.

Công tác thu gom và xử lý rác thải được triển khai chặt chẽ, có hệ thống với nhiều mô hình hiệu quả. Tỉnh triển khai đầu tư xây dựng 2 cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (cũ) và huyện Lạc Thủy. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 3 cơ sở xử lý chất thải rắn, 9 cơ sở hoạt động dịch vụ môi trường hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, 2 đội vệ sinh môi trường do phòng Tài nguyên và Môi trường huyện quản lý và 11 tổ thu gom rác ở các xã do các tổ chức đoàn thể, hợp tác nông nghiệp quản lý. Công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt đã được triển khai tại 73 xã. Về cơ bản các mô hình trong quá trình hoạt động vệ sinh môi trường đã thu gom, vận chuyển rác thải đúng quy trình, không để rác thải tồn đọng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và gây ô nhiễm môi trường.

Hằng năm, tỉnh phát động các phong trào hưởng ứng Ngày môi trường, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân tham gia. Duy trì website http://biendoikhihau.hoabinh.gov.vn về biến đổi khí hậu tỉnh Hoà Bình nhằm phổ biến rộng rãi và sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân về tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu. Với nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh, đến nay có 90% chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh; có 70-80% chất thải rắn nông thôn được thu gom, xử lý; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 95%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 98%./.