Căn cứ Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 06/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm; Công văn số 9001/BNN-TY ngày 08/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 10840/VPUBND-KTN ngày 07/12/2023 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc triển khai Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 06/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 11017/VPUBND-KTN ngày 12/12/2023 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Để ngăn chặn triệt để, chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật và tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ, kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chi cục Chăn nuôi và Thú y tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau:
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố : Tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo nội dung Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 07/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 16/11/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Tổ chức triển khai lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm; tăng cường truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm hoạt động trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.
Căn cứ vào tình hình cụ thể tại địa phương, chủ động chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường và các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng làm công tác Thú y, Công an thành lập tổ kiểm soát lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền cơ sở thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng để chủ động chỉ đạo các biện pháp phù hợp, tổ chức ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý nghiêm những sai phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho động vật.
Giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Phối hợp với các phòng ban chức năng của địa phương kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, tổng hợp báo cáo theo quy định.
Tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định hiện hành.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở tổ chức thực hiện./.