DetailController

Kinh tế

Tăng cường công tác quản lý điều hành giá góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển

04/03/2022 00:00
Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến giá cả thị trường. Nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa giữ ổn định mặt bằng giá, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai kịp thời, quyết liệt các biện pháp điều hành kinh tế.

Nhờ đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng trên phạm vi tỉnh được kiềm chế. Hầu hết các nhóm hàng cơ bản đều ổn định, không xảy ra tình trạng hàng hóa tăng giá đột biến. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2021 ước tăng 0,64% so với tháng trước. Nằm trong xu hướng chung của cả nước, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ước tăng 3% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước liên quan đến tiền tệ, tín dụng và lãi suất. Đồng thời đẩy mạnh công tác huy động vốn, tập trung các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng cho vay các chương trình ưu tiên, như lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, các hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao trên địa bàn tỉnh.

Nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành giá năm 2022 trên địa bàn tỉnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá, ngày 03/3/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 307/UBND-KTTH về việc tăng cường công tác quản lý điều hành giá năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân các huyện, thành phố tập trung triển khai các giải pháp để rà soát, đánh giá, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện thể chế pháp luật về giá để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại tỉnh. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để kịp thời có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp theo thẩm quyền. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình thị trường giá cả. Hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống nhân dân. Đồng thời tăng cường công tác tổng hợp, phân tích dự báo thị trường giá cả, thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định.

Sở Công Thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp có những chương trình khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ đẩy mạnh xây dựng và triển khai chương trình bình ổn thị trường. Theo dõi sát diễn biến giá xăng, dầu, điện, kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá khi có sự biến động lớn về giá đối với các mặt hàng này để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng./.