Các địa phương đã chú trọng sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, cấp mã số vùng trồng, đẩy mạnh diện tích được chứng nhận an toàn thực phẩm, GAP, hữu cơ. Đến nay đã thực hiện hỗ trợ cho 160 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được chứng nhận ATTP, VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ với 2.491,24 ha, 1.965 lồng cá, 4.748 đàn ong và 2.338,02 tấn sản phẩm chăn nuôi (gồm 110 cơ sở trồng trọt; 15 cơ sở nuôi trồng thủy sản; 06 cơ sở nuôi ong, 29 cơ sở chăn nuôi gà, lợn, bò, dê). Chuỗi liên kết trong sản xuất trồng trọt ngày càng đang dạng và mở rộng quy mô như vùng nguyên liệu mía ăn tươi phục vụ xuất khẩu tại các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong quy mô năm 2023 từ 10-20 ha; liên kết xây dựng vùng nguyên liệu trồng ớt, chanh leo tại huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy quy mô 20-50 ha; chuỗi liên kết sản xuất - xuất khẩu bưởi đỏ tại các huyện: Tân Lạc, bưởi Diễn tại huyện Yên Thủy, Lương Sơn với quy mô 10 - 50 ha/chuỗi; liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ cây gai xanh tại huyện Kim Bô, Lạc Sơn, Đà Bắc; liên kết sản xuất các loại rau họ bầu bí (bí xanh, dưa chuột, rau lấy quả khác) tại huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn... cho thu nhập bình quân từ 150 đến 250 triệu đồng/ha/năm. Một số mô hình điển hình như mô hình trồng nhãn tại Kim Bôi thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm; trồng mía thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm. Mô hình gieo cấy giống lúa chất lượng cao J02 tại huyện Đà Bắc; mô hình chuỗi sản xuất dưa chuột xuất khẩu của Công ty TNHH Pacific, Công ty Hagimex.
Toàn tỉnh hiện có 114 sản phẩm OCOP với 22 sản phẩm đạt hạng 4 sao; có 92 sản phẩm đạt hạng 3 tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng, có 50 sản phẩm đăng ký tham gia chu trình OCOP; 01 chỉ dẫn địa lý Cam Cao Phong; 42 nhãn hiệu được chứng nhận và bảo hộ trên thị trường (Mía tím, Cam quýt, Nhãn Sơn Thủy, rau Su su Tân Lạc, Na Lạc Thủy; Cá, tôm sông Đà; Mật ong; Gà Lạc Sơn, Dê Lạc Thủy,...). Công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ (trên các sàn postmark.vn, voso.vn và các website), đặc biệt là xuất khẩu nông sản được quan tâm, chú trọng; Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở cấp được 57 mã số vùng trồng (33 mã số phục vụ xuất khẩu đi các nước như Trung Quốc, EU, NewZealan; Hoa Kỳ, Úc...) nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản của tỉnh. Đến nay đã xuất khẩu được trên 19,9 nghìn tấn sản phẩm sang thị trường các nước Trung Quốc, EU, Hàn Quốc.... (584 tấn mía; 1.016 tấn chuối; 30 tấn nhãn; 5.580 quả bưởi đỏ; 9.600 quả bưởi diễn; 7 tấn cam; 13 tấn sả). Đối với lâm sản, đã xuất khẩu được gần 25 nghìn m3 đồ mộc và ván ép.
Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay, tỉnh cần chú trọng tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Các ngành chức năng cần thực hiện tốt công tác kiểm soát chất lượng đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, quyết liệt hơn trong công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực này để người dân tự giác chấp hành, lựa chọn các loại cây giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm, công khai đối với các cơ sở không chấp hành các quy định, khuyến cáo người dân không mua các sản phẩm không đạt yêu cầu. Các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhằm mục tiêu hạn chế các cơ sở sản xuất – kinh doanh không đạt yêu cầu, đảm bảo quyền lợi cho người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp./.