DetailController

Quốc phòng - An ninh

Tăng cường công tác quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, trang thiết bị y tế trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán năm 2023

13/01/2023 00:00
Để tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa việc kinh doanh, sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, trang thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt trong dịp Tết, ngày 11/1/2023, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 89/SYT-NVD về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, trang thiết bị y tế trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán năm 2023.
Sở Y tế đề nghị các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn chỉ được kinh doanh, phân phối các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành

Theo đó, Sở Y tế đề nghị Thanh tra Sở Y tế xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra (định kỳ và đột xuất) việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp kinh doanh các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có hoá đơn, chứng từ hợp lệ. Chủ động thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; cung cấp kịp thời các thông tin tài liệu liên quan đến quá trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, trang thiết bị y tế giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc để truy tìm tận gốc các vụ việc. Tiếp tục công khai đường dây nóng của Sở Y tế và các đơn vị để kịp thời tiếp nhận phản ánh của các tổ chức, các nhân về hành vi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế; kịp thời xử lý thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm.

Tăng cường các biện pháp quản lý đối với các cơ sở kinh doanh thuốc như: Thực hiện, duy trì việc đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành tốt trong toàn bộ hoạt động kinh doanh (bán buôn, bán lẻ), bảo quản và sử dụng thuốc theo đúng quy định; tiếp tục duy trì áp dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc nhằm đảm bảo xác định được nguồn gốc lô thuốc, xác định được cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng trong chuỗi cung ứng thuốc. Kịp thời tiếp nhận các thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân về các hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kịp thời xử lý thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các biện pháp quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh; chú trọng kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, bếp ăn tập thể, trường học, doanh nghiệp; cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, kinh doanh thực phẩm xung quanh cổng trường học, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ động lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ lưu hành trên địa bàn đối với các sản phẩm có nguy cơ vi phạm chất lượng. Thông qua hoạt động lấy mẫu, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Sưu tầm, viết tin bài về hoạt động triển khai của các đơn vị trong ngành, các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ gửi Sở Y tế duyệt đăng tải trên cổng thông tin điện tử của ngành. Phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập trung một số nội dung: Phổ biến kiến thức về nguy cơ và tác hại của thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, các biện pháp phòng tránh việc mua bán, sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp; Kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, buôn bán thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm giả tới cơ quan y tế và các cơ quan chức năng có liên quan; Công khai các vụ việc vi phạm được phát hiện và các hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tuân thủ các nguyên tắc về Thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP). Thực hiện đúng các quy định biểu mẫu hồ sơ, sổ sách theo dõi việc nhập, xuất thuốc, hóa chất, vật tư y tế theo quy định.

Bộ phận Y tế thuộc Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu UBND huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, trang thiết bị y tế thuộc địa bàn quản lý. Phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 huyện/thành phố và các cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại và hàng giả đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế.

Các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn chỉ được kinh doanh theo đúng phạm vi đã được cấp phép; kinh doanh, phân phối các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, được cung cấp từ các cơ sở kinh doanh dược có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và giấy chứng nhận đạt thực hành tốt phân phối thuốc. Triển khai, duy trì việc đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành tốt trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, bảo quản và sử dụng theo đúng quy định. Duy trì liên thông lên hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia đảm bảo truy xuất được nguồn gốc lô thuốc, xác định được cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng trong chuỗi cung ứng thuốc. Các doanh nghiệp kinh doanh thuốc thông báo, chỉ đạo và tổ chức kiểm tra các cơ sở bán lẻ trực thuộc thực hiện đúng quy định về kiểm soát chất lượng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường; chỉ phân phối, kinh doanh các loại thuốc rõ nguồn gốc, xuất xứ và đạt tiêu chuẩn chất lượng; khuyến khích các cơ sở tăng cường các biện pháp chống làm giả như sử dụng mã vạch, QR code…/.