Tuy nhiên, hiện nay, ngành chăn nuôi lợn của tỉnh đang gặp phải nhiều thách thức như: Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao; chất lượng con giống chưa đảm bảo; tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp, nhất là dịch Tả lợn Châu Phi. Theo thống kê, từ năm 2019 đến năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 306 ổ dịch Tả lợn Châu Phi. Làm chết, tiêu hủy 31.033 con lợn các loại, thiệt hại đối với người chăn nuôi ước khoảng gần 100 tỷ đồng. Việc phòng, chống Dịch bệnh đang gặp nhiều khó khăn, do Vi rút gây bệnh dịch Tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây lan đa dạng, khó kiểm soát, dịch lây lan nhanh và cảm nhiễm đối với tất cả các loại lợn, lợn mắc bệnh có thể chết đến 100%.
Nguyên tắc phòng, chống bệnh dịch Tả lợn Châu Phi hiện nay vẫn là thực hiện nghiêm ngặt chăn nuôi an toàn sinh học. Thực hành chăn nuôi tốt, cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi. Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Các cơ sở, người chăn nuôi cập nhật, khai báo hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương theo quy định. Áp dung các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt (tiêm đủ các loại vắc xin phòng bệnh, cách ly, vệ sinh, sát trùng). Thường xuyên vệ sinh, phun thuốc khử trùng chuồng, trại chăn nuôi, thu gom chất độn, chất thải chăn nuôi xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hoá chất, hoặc xử lý bằng ủ sinh học phù hợp. Lợn nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh. Đối với lợn nhập từ ngoài tỉnh phải có Giấy kiểm dịch theo quy định; trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần.
Khi phát hiện lợn ốm, chết nghi bệnh dịch Tả lợn Châu Phi thì cần lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định chính xác bệnh. Thực hiện các biện pháp như cách ly lợn bệnh, tiêu hủy lợn chết, khử trùng dụng cụ, chuồng trại chăn nuôi. Chính quyền địa phương chỉ đạo Nhân viên Thú y phối hợp với cán bộ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện và các cơ quan liên quan của địa phương tiến hành điều tra ổ dịch. Sau khi xác định nguyên nhân gây bệnh, đánh giá, nhận định tình hình dịch để tham mưu đề xuất các biện pháp phòng, chống đảm bảo hiệu quả, theo quy định.
Để bảo vệ đàn vật nuôi, bảo đảm nguồn cung ứng thịt là thị trường và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh dịch Tả lợn Châu Phi gây ra. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 07/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch số 225/KH-UBND, ngày 16/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và Thuỷ sản năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở; chủ động giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng thành công các chuỗi, cơ sở chăn nuôi động vật an toàn dịch bệnh; bảo đảm an toàn thực phẩm và các hoạt động thương mại, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh động vật đối với sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn. Tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan. Chủ động sử dụng các nguồn lực, huy động nhân lực tại chỗ và áp dụng thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý triệt để dứt điểm ổ dịch khi mới phát hiện, không để dịch lây lan trên diện rộng. Thường xuyên kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các khu vực có mật độ chăn nuôi cao, nơi có ổ dịch cũ và có nguy cơ phát sinh dịch nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời. Lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm để xác định chính xác dịch bệnh, đồng thời tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng khu dân cư bằng nhiều hình thức về tác hại và tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật nuôi; phổ biến, nhân rộng các mô hình thực hiện chăn nuôi tốt và hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh... để người chăn nuôi chủ động phối hợp thực hiện./.