DetailController

Kinh tế

Tăng cường công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với sản phẩm trồng trọt

16/05/2022 00:00
Ngày 13/5, UBND tỉnh ban hành Công văn số 735 gửi các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh về việc Tăng cường công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với sản phẩm trồng trọt.

Nhằm triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV ngày 28/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu; đồng thời tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác tổ chức sản xuất các vùng nguyên liệu tập trung; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nâng quy mô diện tích trồng tập trung, thuần loài của những sản phẩm có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu đạt yêu cầu về diện tích của mã số vùng trồng (tối thiểu 10 ha/mã số đối với cây ăn quả). Áp dụng đồng bộ các yêu cầu kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm ngay tại vùng sản xuất. Hỗ trợ công tác chứng nhận an toàn thực phẩm/GAP cho các vùng trồng tập trung. Định kỳ hàng quý thống kê danh mục các vùng trồng đủ điều kiện để cấp mã số gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, triển khai thực hiện.

Đầu tư, hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện các cơ sở thu mua, tập kết nông sản đáp ứng quy mô công suất; các điều kiện, tiêu chuẩn về trang thiết bị, dụng cụ, nhân lực để được cấp mã số cơ sở đóng gói. Hàng năm chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện để cụ thể hóa nhiệm vụ được giao về cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói theo các đề án đã được phê duyệt.

Tiếp nhận các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã được cấp và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra, giám sát việc duy trì các điều kiện của mã số đã được cấp. Đặc biệt chú ý giám sát việc sử dụng mã số trong các lô hàng xuất khẩu, tránh tình trạng sử dụng lẫn lộn, trà trộn mã số làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hàng hóa.

Giao sở NN&PTNT là đơn vị đầu mối, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói, xây dựng cơ sở dữ liệu đảm bảo truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, hiệu quả.

Thông tin rộng rãi về yêu cầu kỹ thuật của mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; trình tự, thủ tục thẩm định, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đến các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất biết áp dụng. Chủ trì tổ chức thực hiện việc thiết lập và giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sở Công Thương, Tài Chính, Liên minh HTX tỉnh căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện các cơ chế, chính sách, kinh phí nhằm tạo điều kiện linh hoạt để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút các doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua nông sản tại các vùng trồng được cấp mã số, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.

Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh phối hợp tốt với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các hoạt động liên quan đến việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.