Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng quý I và triển khai các giải pháp hoàn thành kế hoạch năm 2013. Đến nay có 27 tỉnh thành phố đã triển khai hợp đồng khoán bảo vệ 1.971.970 ha rừng (bao gồm cả những diện tích thuộc nguồn ngân sách địa phương và quỹ dịch vụ môi trường rừng). Đến hết quý I, cả nước đã phát hiện 455 vụ phá rừng trái pháp luật và 2.959 vụ vi phạm về mua bán vận chuyển và chế biến lâm sản trái pháp luật; 68 vụ vi phạm quy định về PCCCR. Đã có 8 tỉnh triển khai trồng rừng tập trung với diện tích 8.745 ha, đạt 4% kế hoạch. Và trồng được 8.615 ngàn cây phân tán; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 202.596 ha. Các địa phương đã tiến hành khai thác được gần 1,3 triệu m3 gỗ rừng trồng; giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ước đạt 1.151 triệu USD, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm ước đạt 85 triệu USD. Về thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay có 29 tỉnh đã thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh. Quỹ TƯ đã thu hơn 203 tỉ đồng đã chuyển cho các tỉnh 136,6 tỉ đồng. Một số tỉnh chưa thành lập quỹ và 1 số tỉnh đã thành lập quỹ nhưng chưa có bộ máy nhân sự để tiếp nhận tiền.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã kiến nghị nhiều vấn đề như việc bố trí nguồn vốn NSNN đầu tư và hỗ trợ cho các địa phương không tương ứng với các chỉ tiêu nhiệm vụ; tăng mức đầu tư cho trồng rừng phòng hộ đặc dụng, tăng cường thêm lực lượng kiểm lâm địa bàn, sự phối hợp với các địa phương giáp ranh, việc xử lý các phương tiện khai thác khoáng sản, khai thác gỗ trái phép…
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua. Bộ trửơng lưu ý việc bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng phải đi đôi với công tác lập Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Các dự án thực hiện trên địa bàn các tỉnh có sử dụng đất lâm nghiệp và tài nguyên rừng phải thực hiện đúng quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh và phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng và hạn chế ảnh hưởng rừng tự nhiên. Các địa phương cần tích cực tự cân đối, lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2013. Khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ đạo và quản lý dự án các cấp; bồi dưỡng nâng cao năng lực lập kế hoạch và quản lý dự án cho các cán bộ BQL dự án cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, giá trị của rừng, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư hưởng lợi từ rừng. Đồng thời đề nghị các địa phương tăng cường và thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp và công tác phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật; tổ chức phối hợp các lực lượng để kiểm tra, ngăn chặn mọi hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, không để xảy ra điểm nóng về vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lập lại trật tự, kỷ cương nhằm ổn định an ninh, trật tự xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT các tỉnh hoàn chỉnh Đề án củng cố, tổ chức lại lực lượng Kiểm lâm và các Ban quản lý rừng phòng hộ trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện, sớm triển khai đề án giao rừng, cho thuê rừng và kế hoạch triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ để người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng được hưởng lợi từ rừng.