DetailController

Quốc phòng - An ninh

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động trong mại điện tử

17/11/2023 16:30
Trong 3 năm trở lại đây, thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô. Tỷ lệ người dân mua sắm trực tuyến so với nhũng người sử dụng internet trên địa bàn tỉnh tăng. Các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã nhận thức đúng về vai trò và tầm quan trọng của công nghệ thông tin nói chung, TMĐT nói riêng trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã thiết lập website TMĐT bán hàng, tham gia sàn giao dịch TMĐT...
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa được mua bán qua kênh thương mại điện tử

Đặc biệt, trong các năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 bùng phát đã dẫn đến nhiều biến động đối với nền kinh tế và sự tăng trưởng bứt phá của TMĐT. Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì hoạt động TMĐT cũng gặp không ít nhũng thách thức trong việc xây dụng thị trường một cách lành mạnh. Hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng hóa hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không có hóa đơn, chứng từ, gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.

Các đối tượng đã lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, chủ yếu là qua hoạt động chuyển phát nhanh, qua các trang mạng để quảng cáo, giới thiệu, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, chào bán các sản phẩm hàng hóa hàng không rõ nguồn gốc, xuất xử, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiêng, hàng kém chất lượng, hàng hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng...Các mặt hàng được phát hiện vi phạm qua thương mại điện tử gồm: thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng ...Thủ đoạn của các đối tượng vi phạm là lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok), bán hàng theo hình thức livestream (trực tiếp) hoặc đăng bán. Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng); Sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn và kho hàng ở các khu vực khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động TMĐT đã xuất hiện không ít vụ lừa đảo trên mạng như đánh cắp thông tin, dữ liệu, tài khoản ngân hàng của khách hàng và dùng các chiêu thức lừa đảo đế chiếm đoạt tài sản.

Thực hiện Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 09/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 158/KH-BCĐ ngày 05/11/2020 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử trên dịa bàn tỉnh Hòa Bình; Công văn số 1104/CV-BCĐ ngày 30/6/2022 về tăng cường quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. BCĐ 389 tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn theo quy định. Từ năm 2020, lực lượng chức năng đã kiểm tra 50 vụ, xử lý 43 vụ, tổng tiền phạt VPHC và trị giá hàng hóa tịch thu trên 2,6 tỷ đồng. Trong đó, hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; Kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu của người dân mua hàng trên không gian mạng gia tăng. Các đối tượng kinh doanh lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hảng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng kém chất lượng, hàng hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng... sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, thành viên trong toàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện kịp thời có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, các Bộ, Ban, Ngành TW, UBND tỉnh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, chủ động thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, phương thức thủ đoạn mới để kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thương mại điện tử; các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tố chức, cá nhân, để người dân chủ động tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính các cơ quan, lực lượng chức năng phát hiện, tổng hợp những vấn đề, bất cập còn tồn tại; chủ động đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách pháp luật cho phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử./.