DetailController

Tin từ các đơn vị

Tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023

18/04/2023 17:00
Hiện nay cây trồng vụ Đông xuân 2022-2023 đang giai đoạn sinh trưởng sinh thực (Lúa xuân làm đòng- trỗ bông; ngô 7-9 lá, lạc: phân cành- ra hoa; cây ăn quả: đậu quả -phát triển quả), là giai đoạn cây trồng mẫn cảm với các điều kiện thời tiết bất thuận, cũng như các đối tượng sâu bệnh hại (bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, chuột trên lúa; bệnh xì gôm- chảy mủ, bệnh đốm nâu, bệnh loét-sẹo, nhóm nhện nhỏ trên cây có múi,…vv), có thể ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng và sản lượng các loại cây trồng.
Tăng cường chỉ đạo sản xuất, cân đối và điều tiết nguồn nước trong điều kiện khô hạn

Để đảm bảo thắng lợi trong sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023, thúc đẩy sản xuất vụ Mùa, vụ Hè Thu, đồng thời sẵn sàng ứng phó với điều kiện thời tiết bất thuận và tình hình sâu bệnh hại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 973/SNN-TTBVTV, ngày 17/4/2023 gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp sau: Kịp thời chăm sóc, khắc phục ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất thuận trên cây trồng; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý sâu bệnh, ngăn chặn không để bệnh phát sinh thành dịch.

Cân đối khả năng nguồn nước, xây dựng kế hoạch điều tiết nước phù hợp, sử dụng tiết kiệm nước tưới...; kiểm tra, tu sửa và nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, hạn chế tối đa tình trạng rò rỉ, thất thoát nước; tận dụng các nguồn nước từ các giếng khoan, hồ đập, các ao, hồ, để bơm nước chống hạn.

Tận dụng tối đa các nguồn nước để tưới dưỡng cho cây; sử dụng các sản phẩm phụ của trồng trọt như rơm, rạ, chấu, cỏ,.. để tủ gốc giữ ẩm vườn cây; tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ, phát cỏ sát gốc trong giai đoạn nắng hạn nhằm bảo vệ lớp thảm thực vật giữ ẩm cho cây trồng.

Với diện tích lúa đang đứng cái - bắt đầu phân hóa đòng, cần tập trung bón thúc lần cuối với phân NPK chuyên thúc hoặc bổ sung phân Kali  kết hợp với phun phân bón qua lá để đảm bảo cho lúa sinh trưởng tốt, tăng nhánh hữu hiệu và cứng cây, chống đổ; những ruộng lúa sinh trưởng kém có thể bón bổ sung tăng 7-8% đạm so với quy trình khi ruộng duy trì được đủ nước.

Với diện tích lúa đã trỗ bông - phơi màu, ngậm sữa cần giữ mực nước ruộng khoảng 3-5cm, đến khi lúa chắc xanh, đỏ đuôi cần rút nước phơi ruộng giúp cây lúa chắc gốc, tăng tính chống đổ.

Triển khai sâu rộng các giải pháp phòng trừ sâu bệnh theo sự chỉ đạo tại Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 09/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc tăng cường phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn; công văn số 249/SNN-TTBVTV ngày 10/02/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 01/CTUBND ngày 09/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn và các văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Kịp thời chăm sóc, bón thúc, làm cỏ cho diện tích ngô, mía và cây màu khác. Với diện tích cây ăn quả dài ngày (cây có múi, nhãn, vải) cần tập trung bón thúc, bón cân đối các loại N, P, K, đồng thời bổ sung phân bón vi lượng để hạn chế rụng sinh lý, tăng nhanh kích thước quả. Phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại, phòng trừ kịp thời, hiệu quả bằng các loại thuốc đặc hiệu theo đúng “nguyên tắc 4 đúng”, tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất sứ, ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản tập trung lực lượng cán bộ tăng cường đi cơ sở, hỗ trợ các địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát đồng ruộng, chỉ đạo các giải pháp kỹ thuật đã nêu.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết bất thuận đối với sản xuất. Trong trường hợp cần thiết, huy động tối đa lực lượng cán bộ tăng cường cho cơ sở để hỗ trợ công tác chỉ đạo sản xuất và phòng trừ dịch hại./.