Đối với sản xuất vụ Mùa, vụ Hè Thu: Tiếp tục chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên diện tích lúa mùa trà muộn, chú ý sự phát sinh gây hại của tập đoàn rầy, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá; Chủ động phòng ngừa bệnh đạo ôn cổ bông tại các ổ bệnh cũ.
Khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa đã đủ độ chín theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Huy động tối đa các máy gặt đập liên hợp trên địa bàn, cải tiến máy cắt cỏ cầm tay thành máy cắt lúa và sử dụng lực lượng lao động tại chỗ để thu hoạch nhanh gọn, giải phóng đất phục vụ sản xuất cây màu vụ Đông.
Thúc đẩy sản xuất vụ Đông 2022: Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương về quỹ đất, thời vụ gieo trồng của từng loại cây, tập quán canh tác để xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông hiệu quả; chú trọng mở rộng diện tích và đa dạng các loại cây trồng nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất.
Với những diện tích đã thu hoạch xong, cần tranh thủ làm đất ngay, áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa để đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất.
Tuân thủ đúng khung thời vụ cho từng nhóm cây vụ Đông: Đối với nhóm cây ưa ấm (cây ngô, lạc, đậu tương) kết thúc thời vụ gieo trồng trước 05/10, với ngô sinh khối có thể gieo đến 20/10; với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10, với cây khoai tây tập trung trồng từ 25/10 đến 15/11; đối với nhóm rau ăn lá cần bố trí thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống hợp lý nhằm rải vụ thu hoạch và đảm bảo nguồn cung ổn định, hạn chế tình trạng dư thừa tụt giá.
Tăng cường thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất. Tiếp tục đầu tư, cải tạo hệ thống thuỷ lợi nội đồng đảm bảo tưới - tiêu chủ động, góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất lúa trồng cây màu vụ Đông.
Khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất như: Tuyên truyền các chủ trương, chính sách; phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất vụ Đông có hiệu quả đến người dân nắm được và hưởng ứng tham gia. Hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; chứng nhận sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ,...; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị; chủ động kết nối, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân để nâng cao hiệu quả, tăng giá trị thu nhập trong sản xuất vụ Đông.
Một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có tiềm năng, có nhu cầu liên kết sản xuất như: Cây dưa chuột Nhật, lá tía tô vv với Công ty TNHH Một thành viên Pacific Hòa Bình, địa chỉ: Tổ 5, Phường Chăm Mát, TP Hòa Bình; điện thoại liên hệ: 0983.923.558 - Ông Khoa, Phó Giám đốc Công ty.
Cây ngô sinh khối, cỏ sinh khối với Công ty Cổ phần T&T159 Hòa Bình; địa chỉ Xóm Mỵ, xã Yên Mông, Thành phố Hòa Bình; điện thoại liên hệ 0936.189.666 - Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty.
Cây dưa chuột bao tử với Công ty Cổ phần Hagimex; địa chỉ: Cụm CN Biên Hòa, Ngọc Sơn, Kim Bảng, Hà Nam; điện thoại liên hệ:0904.132.228 - Ông Tuấn Anh, Giám đốc Công ty.
Cây Ngô ngọt với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao- chi nhánh Sơn La; địa chỉ: tiểu khu 10, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La; Điện thoại liên hệ: 0971.682.020, 0903.290.530- Ông Nguyễn Thanh Tùng- Giám đốc chi nhánh Sơn La.
Duy trì, đảm bảo các hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu cho sản xuất vụ Đông năm 2022-2023 trên địa bàn, không để tình trạng khan hiếm nguồn hàng phục vụ sản xuất. Tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý kịp thời các trường hợp kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trái với quy định của pháp luật./.