DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tăng cường chăm sóc sức khỏe y tế toàn diện cho trẻ em trên địa bàn tỉnh

28/05/2024 16:30
Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 58.684 trẻ em, trong đó trẻ em dưới 2 tuổi có 20.944 trẻ. Thời gian qua, các địa phương, đơn vị, đoàn thể đã nỗ lực thực hiện các hoạt động để bảo vệ, chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho trẻ em trên địa bàn.
Tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 68,6%
Hệ thống y tế được trải rộng từ tỉnh xuống đến xã nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em. Tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh có các khoa Phụ Sản, Nhi, Sơ sinh. Mỗi Trung tâm Y tế (TTYT) huyện/thành phố có khoa chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS) và khoa Nhi (Nội - Nhi). Tại 151 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đều có cán bộ chuyên trách về chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS) và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. 100% Trạm Y tế đã có cán bộ được đào tạo và triển khai khám xử trí lồng ghép các bệnh thường gặp ở trẻ em cho toàn bộ trẻ em dưới 5 tuổi đến khám tại Trạm Y tế (IMCI).
Ngành Y tế đã thường xuyên nâng cao năng lực về chăm sóc sức khoẻ trẻ em cho cán bộ Y tế. 5 tháng đầu năm 2024, Sở Y tế đã tổ chức 02 chuyên đề cho Trạm trưởng, chuyên trách dinh dưỡng xã, nhân viên y tế thôn bản 3 xã Toàn Sơn, Hiền Lương, Tú Lý và thị trấn Đà Bắc về “Nâng cao kiến thức, kỹ năng về dinh dưỡng cho một số bệnh thường gặp trong 1000 ngày đầu đời" và “Chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tổ chức 03 lớp tập huấn cho nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ chuyên trách xã và nhân viên y tế thôn bản (YTTB) mới và yếu về "Chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em" của huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Lương Sơn thuộc ngân sách địa phương năm 2024.
Đến nay, 100% Trạm Y tế (TYT) thực hiện đỡ đẻ có góc hồi sức sơ sinh đảm bảo cho việc hồi sức sơ sinh và thực hiện tốt chăm sóc sơ sinh thiết yếu sau đẻ. Tỷ lệ trẻ được chăm sóc thiết yếu sau khi sinh (da kề da) đạt 97,2%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc 3 bệnh lây truyền mẹ sang con trong thời kỳ mang thai là: Xét nghiệm HIV: 92,3%; Xét nghiệm Viêm gan B: 99%; Xét nghiệm giang mai: 91,4%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được chăm sóc trong tuần đầu tại nhà sau sinh là 86,2%. 100% TYT tư vấn, hướng dẫn và giúp đỡ bà mẹ cho con bú trong giờ đầu sau đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ theo khoa học. Tỷ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là 77,9%. 100% TYT có đỡ đẻ thực hiện tiêm vitamin K1 cho trẻ sơ sinh. Tỷ lệ trẻ đẻ ra được tiêm vitamin Kđạt 99,9%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh (lấy máu gót chân sàng lọc thiếu men G6PD) là 24,6%. 100% các sơ sở thực hiện đỡ đẻ đã triển khai tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24h đầu sau đẻ. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm phòng viêm gan B trong vòng 24h/số trẻ đẻ sống là 88,4%. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 68,6% (kế hoạch >95%). Tổng số lượt khám bệnh cho trẻ em dưới 16 tuổi: 27.832 lượt, số trẻ em mắc bệnh: 17.632 (chiếm 63,4% số trẻ đến khám). Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tui (thể cân nặng theo tuổi) 14,2%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tui (thể chiều cao theo tuổi) 22,7%.

100% Trạm Y tế đã có cán bộ được đào tạo về xử trí lồng ghép các bệnh thường gặp ở trẻ em theo IMCI và triển khai thực hiện khám cho trẻ dưới 5 tuổi theo IMCI. Trong đó: Tổng số trẻ dưới 5 tuổi đến TYT: 3.852 lượt. Tổng số trẻ dưới 5 tuổi đến TYT được khám, đánh giá, phân loại theo IMCI: 3.852 lượt (đạt 100 %). Trong đó, tỷ lệ trẻ bệnh có phân loại ho hoặc khó thở là 92,9%; phân loại sốt là 90,6%; phân loại tiêu chảy là 2,4%. Tổng số trẻ dưới 5 tuổi được điều trị theo IMCI: 3.852 lượt (100%). Trong đó trẻ được điều trị tại nhà là 99,8%. Tỷ lệ trẻ từ 0 - 59 tháng tuổi viêm phổi được điều trị bằng kháng sinh 100%.

Các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em được quan tâm: Tỷ lệ trẻ sơ sinh được theo dõi cân nặng ngay sau khi sinh là: 100%. Tỷ lệ trẻ em dưới 2 tuổi được theo dõi cân nặng 1 quý/ lần là: 99,7%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng được theo dõi cân nặng hàng tháng là: 100%; trẻ em từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi được đo chu vi vòng cánh tay hàng quý là 100%.

Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em kết hợp sử dụng Sổ theo dõi sức khỏe mẹ trẻ em được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh; thực hiện cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, cho trẻ bú kéo dài đến 24 tháng tuổi; thực hiện cho trẻ ăn bổ sung, thực hiện vệ sinh, phòng chống giun sán; theo dõi tăng trưởng cho trẻ em được thực hiện thường xuyên ở tuyến cơ sở định kỳ 1 quý/lần đối với trẻ em dưới 2 tuổi; 1 năm 1 lần vào tháng 6 đối với trẻ em dưới 5 tuổi; 1 tháng/1 lần đối với trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Trong các đợt chiến dịch Vi chất hàng năm đạt 100% trẻ em trong độ tuổi được bổ sung VitaminA theo đúng quy định, chương trình thường xuyên cung cấp VitaminA cho các bà mẹ sau đẻ và trẻ em sau khi bị bệnh.

Bên cạnh đó, các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện công tác y tế trường học bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục. Số trẻ em mắc bệnh truyền nhiễm được chăm sóc sức khỏe học đường trên địa bàn toàn tỉnh năm 2023 là 80 ca, trong đó Sởi: 52 ca; Rubella: 04 ca; Bại liệt: 02 ca; Lao 22 ca.

Sở Y tế đã phối hợp với tổ chức Chilfund triển khai các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho Vị thành niên tại các trường học của các xã Suối Hoa, Phú Vinh, Phú Cường, Ngổ Luông, Quyết Chiến, Ngọc Mỹ thuộc huyện Tân Lạc. Phối hợp với tổ chức ORBIS Quốc tế tổ chức khám sàng lọc các bệnh về mắt, xác định tật khúc xạ cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học tại 54 trường của 2 huyện Đà Bắc, Lương Sơn (Đà Bắc 33 trường, Lương Sơn 21 trường). Tham gia triển khai Dự án “Phát triển mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện”  của tổ chức FHF khám sàng lọc phát hiện tật khúc xạ cho học sinh cấp 1, 2 tại 3 huyện Mai Châu, Cao Phong, Lạc Thủy./.