DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Tăng cường chăm sóc lúa đông xuân

21/03/2013 00:00
Vụ đông xuân năm nay, do các địa phương đã cùng ngành Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo thực hiện tốt việc điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu các trà lúa và phòng chống rét cho mạ. Do đó đã tránh được tác động bất lợi của rét đậm, rét hại, đại đa số diện tích lúa được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Để bảo đảm vụ đông xuân có năng suất, chất lượng tốt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang đề nghị các địa phương tập trung các biện pháp nhằm chăm sóc, bảo vệ lúa khỏi nhưng đối tượng gây hại.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân 2012-2013. Hiện nay lúa xuân trà sớm và chính vụ đang giai đoạn đẻ nhánh rộ-cuối đẻ nhánh, trà xuân muộn hồi xanh- đẻ nhánh. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, tại nhiều chân ruộng ở nhiều địa phương đã xuất hiện các loại sâu, bệnh gây hại. Trong đó tập đoàn rầy đã xuất hiện với mật độ phổ biến từ 10-30 con/m2, nơi cao từ 80 đến 100 con/m2. Bên cạnh đó, ốc bươu vàng cũng đã gây hại với diện tích khoảng hơn 250 ha; chuột hại cục bộ tỷ lệ hại 1-3 số dảnh; châu chấu mật độ 3-7 con/m2. Đặc biệt, trong thời gian qua ở một số địa phương có nhiều diện tích lúa mới cấy đã bị thiếu nước, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất lúa sau này. Theo Chi cục Thủy lợi thì hiện nay có khoảng 510 ha lúa tập trung ở các huyện Kim Bôi, Đà Bắc, Cao Phong, Kỳ Sơn.

Theo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, thời tiết thời gian tới có những nét đáng chú ý: Tiếp tục có những đợt không khí lạnh ngắn ngày trong tháng 3, đầu tháng 4 nhưng ít có khả năng rét đậm, xen kẽ là những đợt nắng ấm; nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-10C. Tổng lượng mưa các tháng cuối vụ cao hơn trung bình nhiều năm. Để phát huy những kết quả tích cực đã đạt được vào đầu vụ, đồng thời hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của thời tiết khí hậu và dịch bệnh trên cây lúa từ nay đến cuối vụ. Sở Nông nghiệp &PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện và chính quyền cơ sở tập trung thực hiện tốt các biện pháp như chỉ đạo cơ sở và hướng dẫn nông dân tăng cường chăm sóc, bón phân kịp thời cho diện tích lúa đã cấy. Bón đầy đủ và cân đối giữa các loại phân hóa học (đạm, lân, kali) theo qui trình kỹ thuật; cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ, giữa phân đa lượng và vi lượng. Chú ý bón thúc đúng thời điểm khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh, bắt đầu phân hóa đòng để tăng hiệu lực của phân bón. Thực hiện điều tiết nước hợp lý, tưới nước tiết kiệm để đảm bảo nguồn nước tưới dưỡng cho cây lúa và bổ sung cho cây trồng cạn. Chỉ đạo xử lý kịp thời những diện tích lúa bị nghẹt rễ, vàng lá bằng các biện pháp canh tác: điều tiết nước, sục bùn, bổ sung phân hữu cơ, kết hợp với phân vi lượng và phân bón lá. Tăng cường hướng dẫn nông dân giám sát đồng ruộng để phát hiện các ổ dịch sâu bệnh, xử lý kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan bảo vệ thực vật. Bố trí hợp lý nguồn kinh phí từ ngân sách huyện và các chương trình, dự án để hỗ trợ cho công tác chỉ đạo sản xuất, tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Trong trường hợp sâu bệnh có nguy cơ bùng phát cần huy động nguồn nhân lực tại chỗ, hỗ trợ vật tư, phương tiện để tổ chức dập tắt kịp thời, không để lây lan diện rộng.

Đồng thời, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát huy tốt vai trò của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, các câu lạc bộ khuyến nông, các lớp IPM và học viên IPM, tổ dịch vụ bảo vệ thực vật trong việc hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa. Hệ thống dịch vụ nông nghiệp chuẩn bị đủ lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất, không để hiện tượng khan hiếm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật xảy ra; tăng cường phối hợp và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm những trường hợp kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lợi dụng để tăng giá bất hợp lý; tập trung cán bộ, tăng cường đi công tác để kiểm tra giám sát và hỗ trợ cơ sở hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật đã nêu.

Ngoài ra, để chống hạn cho những diện tích lúa bị hạn, Chi cục Thủy lợi đang đề nghị các địa phương kiểm tra các nguồn nước trên địa bàn, đặc biệt là các hồ chứa nước; chỉ đạo quản lý chặt chẽ các nguồn nước hiện có, trước mắt cần tập trung các biện pháp giữ nước, sử dụng tiết kiệm nước. Đối với các diện tích lúa đã cấy không bảo đảm được nguồn nước tưới suốt vụ cần chuyển đổi sang cây trồng cạn, không để đất hoang. Đồng thời nạo vét kênh mương nội đồng; chủ động các máy bơm dã chiến cũng như các biện pháp thủ công để cứu những diện tích lúa đã bị hạn. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố cần huy động mọi nguồn lực tại địa phương, chuẩn bị kinh phí để hỗ trợ các xã chủ động triển khai các biện pháp chống hạn cho những diện tích bị hạn và nguy cơ bị hạn.