DetailController

Chính trị

Tăng cường các giải pháp tiếp tục nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân

03/08/2022 00:00
Theo kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp tỉnh năm 2021, Chỉ số CCHC của tỉnh Hòa Bình đạt 87,06 điểm, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 28 bậc so với năm 2020. Mặc dù Chỉ số CCHC năm 2020 của tỉnh có giá trị tuyệt đối tăng 5,4 điểm so với năm 2021, nhưng qua phân tích kết quả chỉ số, một số tiêu chí, tiêu chí thành phần còn thấp.

Để tiếp tục nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo, ngày 01/8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 1315/UBND-NVK về việc tăng cường các giải pháp tiếp tục nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân năm 2022.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tập trung nghiên cứu, đề ra các giải pháp quyết liệt, khắc  phục ngay trong năm 2022. Tổ chức quán triệt và triển khai các nhiệm vụ từng năm theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021 – 2030, tiếp tục cụ thể hóa các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về CCHC giai đoạn 2021-2025 và năm 2022. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền CCHC giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng các nền tảng kết nối, phần mềm trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa, nhanh gọn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Các cơ quan, đơn vị chủ động, linh hoạt, đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận, dễ khai thác, dễ sử dụng và giám sát, đánh giá chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính. Tham mưu các sáng kiến, mô hình, ý tưởng, giải pháp mới tạo bước đột phá trong CCHC; nâng cao chất lượng, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc đánh giá, đo lường sự hài lòng cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhằm đạt điểm tối đa đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ.

Các cơ quan chủ trì theo dõi, tham mưu các tiêu chí, tiêu chí thành phần trong Chỉ số CCHC (PAR INDEX), Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Trong đó,  các Sở: Tài chính, Nội vụ, Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và công nghệ, Thông tin và truyền thông, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh được giao chủ trì tham mưu các Chỉ số nội dung và tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao. Đồng thời chủ động tham mưu các sáng kiến, mô hình, giải pháp mới theo ngành, lĩnh vực phụ trách, tạo bước đột phá trong CCHC. Giao Sở Nội vụ đôn đốc, kiểm tra, giám sát kết quả việc thực hiện các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2022 và giai đoạn 2021 – 2025 về CCHC; gắn cải thiện, nâng cao các chỉ số CCHC, SIPAS với việc chấm điểm đánh giá chỉ số CCHC và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao./.