DetailController

Quốc phòng - An ninh

Tăng cường các biện pháp phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; đảm bảo an toàn công trình hồ đập thuỷ lợi xung yếu trong các tháng cuối năm 2023

28/09/2023 16:30
Để tăng cường các biện pháp phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; đảm bảo an toàn công trình hồ đập thuỷ lợi xung yếu trong các tháng cuối năm 2023, ngày 27/9/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan thường trực về Phòng chống thiên tai) đã có Công văn số 2680/SNN-TL đề nghị các Sở, ban, ngành; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Công ty Điện lực Hoà Bình; Công ty Thuỷ điện Hoà Bình; Công ty Cổ phần quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa số 9 triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu của hồ đập, đê, kè trọng điểm, từ đó triển khai các biện pháp phù hợp đảm bảo an toàn trước thiên tai

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh: Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 12/01/2023 về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2023; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 09/3/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023; Công văn số 854/UBND-KTN ngày 09/6/2023 về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập và các khu dân cư năm 2023; Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 20/4/2023 về triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia.

 Đối với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nội dung: Theo tin dự báo về tình hình khí tượng thuỷ văn, các tháng cuối năm 2023, ít khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng nhiều như tháng 7 và tháng 8. Tuy nhiên đây là giai đoạn chuyển mùa, chịu ảnh hưởng của không khí lạnh đầu mùa, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới nên vẫn có khả năng xuất hiện các trận mưa lớn thời đoạn ngắn với lượng mưa trên 50mm/24h, kèm theo dông, lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh, có thể gây ra nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, hiện nay trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Dự báo hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì tới các tháng đầu năm 2024 với xác suất khoảng 85-95%. Để giảm thiểu tối đa thiệt hại về nuôi trồng, chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, chủ động gieo trồng đúng khung thời vụ, chuẩn bị các biện pháp che chắn chống rét; đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm chuẩn bị nguồn thức ăn dự trữ, các vật tư che chắn chuồng trại, giữ ấm cho khu vực chăn nuôi đảm bảo chắn gió rét.

Rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án ứng phó với các tình huống thiên tai cụ thể xảy ra trên địa bàn đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”; cắm biển cảnh báo và có phương án kịp thời, chủ động di chuyển người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ lụt, lũ quét, sạt lở trong mùa mưa lũ và các tháng cuối năm 2023.

Kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu của hồ đập, đê, kè, trọng điểm về thiên tai, các khu vực có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến khu vực dân cư. Từ đó triển khai các biện pháp phù hợp đảm bảo an toàn trước thiên tai.

Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai các cấp, tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, tham mưu chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025 theo nội dung Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 01/6/2022 của UBND tỉnh; thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình theo nội dung Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 01/6/2022 của UBND tỉnh.

Tiếp tục triển khai nội dung Công văn số 1583/SNN-TL ngày 13/7/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc đôn đốc công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống sạt lở và thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo công tác an toàn các khu vực trọng điểm sạt lở bờ sông, bờ suối trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.

Chủ động bố trí nguồn lực để bổ sung vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo điều hành và ứng phó; ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng bản đồ phân bố dân cư ở các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, từng bước di dời dân cư, tạo sinh kế cho người dân trong trường hợp phải di dời.

Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh được phân công phụ trách địa bàn các huyện, thành phố tiếp tục chủ động tham mưu đề xuất thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương mình phụ trách theo phân công tại Quyết định số 106/QĐ-BCH ngày 06/7/2023, Quyết định số 1138/QĐ-BCH ngày 31/5/2023 của Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh.

Thực hiện trực ban nghiêm túc, đôn đốc nắm bắt tình hình, sự cố khi có thiên tai xảy ra. Tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh gửi báo cáo kịp thời, chính xác về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (qua Văn phòng thường trực phụ trách công tác Phòng chống thiên tai, số điện thoại thường trực 02183.852.309, địa chỉ email: thuyloihb@gmail.com ) để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai./.