Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình, tính đến ngày 2-5, trên địa bàn đã ghi nhận 1.051 ca bệnh tay, chân, miệng tại 132 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thành phố. Tuy chưa có ca tử vong nhưng bệnh vẫn diễn biến khá phức tạp, xuất hiện nhiều ca tại ổ dịch nhà trẻ. Các địa phương có số ca bệnh nhiều nhất là huyện Đà Bắc 187 ca, thành phố Hòa Bình và huyện Lạc Sơn mỗi nơi 140 ca, huyện Kim Bôi 135 ca, huyện Kỳ Sơn 106 ca…Đặc biệt, riêng ngày 2-5, trên địa bàn tỉnh phát hiện thêm 12 ca mắc mới và ba ca báo cáo bổ sung. Để phòng chống bệnh tay, chân, miệng đang có nguy cơ lan nhanh hiện nay các ngành chức năng và các địa phương đang tích cực cử cán bộ y tế xuống các địa bàn hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng chống. Đồng thời các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến cơ sở chuẩn bị đầy đủ thuốc men, giường bệnh để khám chữa bệnh kịp thời cho những bệnh nhân mắc bệnh tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Điều đáng lo ngại là qua điều tra, các ca bệnh hầu hết xuất phát điểm mắc đều từ cộng đồng lây lan, xâm nhập vào trường học. Đơn cử, ca mắc đầu tiên tại trường mầm non Tân Thịnh B bị lây bệnh từ người thân trong gia đình. Quá trình cho trẻ ra lớp, trường hợp này đã mắc và làm lây bệnh sang các trẻ xung quanh do tiếp xúc.
Tính đến nay, thành phố Hòa Bình đã ghi nhận 140 ca mắc bệnh tay, chân, miệng. Đáng lo ngại, bệnh đã lây lan ở một số trường mầm non, nơi tập trung số trẻ trong độ tuổi mắc tay, chân, miệng thường gặp. Tại trường mầm non Tân Thịnh B, tất cả cán bộ, giáo viên đã được huy động khẩn trương làm công tác khử trùng toàn bộ vật dụng, chăn, chiếu, đồ chơi… sau khi xuất hiện bệnh. Bà Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngày 18-4, tại lớp 4 tuổi A có một ca mắc bệnh được phát hiện. Sang đến ngày 19-4 có thêm ba ca mắc mới cũng ở lớp 4 tuổi A và một ca ở lớp 3 tuổi. Trước tình hình trên, Trung tâm YTDP thành phố đã phối hợp Trạm y tế phường Tân Thịnh cùng nhà trường triển khai giám sát ca bệnh, đồng thời thông báo tới toàn thể phụ huynh học sinh nắm bắt, có biện pháp phòng, ngừa. Với số trẻ mắc, nhà trường cho nghỉ học cách ly điều trị tại gia đình trong thời gian 10 ngày cho đến khi khỏi hẳn. Không riêng tại trường mầm non Tân Thịnh B, hai điểm trường khác là trường mầm non Sủ Ngòi và Tân Hòa cũng đã có ca mắc tay, chân, miệng. Bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng trường mầm non Sủ Ngòi cho biết, tại chi trường xóm 2 Trìu Ngòi đã phát hiện ba trường hợp mắc với các biểu hiện triệu chứng sốt, có mụn phỏng ở lưỡi, bàn tay và chân trẻ. Nhà trường đã tích cực phối hợp với đơn vị y tế về giám sát, khoanh vùng, khống chế mức độ lây lan bệnh. Mức độ nguy hiểm, diễn biến bệnh đã được nhà trường thông báo tới các bậc cha mẹ của trẻ, kết hợp phát tài liệu truyền thông lúc đón và trả trẻ để các bậc cha mẹ củng cố kiến thức phòng, chống bệnh này.
Cũng tại huyện Đà Bắc, đến nay đã ghi nhận 187 ca mắc bệnh tay, chân, miệng. Con số này cao hơn tổng số ca mắc của cả năm 2011 (175 ca). Ông Đặng Đình Nhiên, Giám đốc Trung tâm YTDP huyện cho biết, ca bệnh tay, chân, miệng đầu tiên năm 2012 xuất hiện trên địa bàn vào ngày 4-1 tại xã Tu Lý. Sau đó, bệnh đã lan ra 17/20 xã, thị trấn. Trong đó, nhiều nhất là tại xã Đồng Chum, Cao Sơn. Các ca bệnh chủ yếu được phát hiện tại các trường mầm non, ở những trẻ dưới 5 tuổi. Hiện nay, Trung tâm đang giám sát, phát hiện các ca bệnh ở cộng đồng, nhà trường, phòng khám tư nhân để có biện pháp xử lý ổ dịch triệt để. Đồng thời, phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh và thực hiện các biện pháp cách ly không để bệnh lây lan rộng; tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh môi trường tại những nơi đang có dịch và nơi có nguy cơ cao. Cung cấp thuốc, vật tư, hóa chất chống dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi có dịch xảy ra…
Trước những diễn biến hết sức phức tạp của bệnh tay, chân, miệng, tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các đơn vị chức năng giám sát, hướng dẫn xử lý ổ dịch, tổ chức trực dịch 24/24 giờ; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống; thực hiện thu dung, điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn như bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp; không có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu; tỷ lệ người lành mang trùng cao tới 50,5%; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên; hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của những người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm. Theo dự báo, thời gian tới, bệnh có nguy cơ bùng phát và lan rộng. Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, mặc dù trên địa bàn chưa có ca tử vong nhưng bệnh tay, chân, miệng trên địa bàn hiện nay diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát, lây lan cao. Hiện nay tỉnh và các ngành chức năng cũng như các địa phương đang xác định công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm nói chung, bệnh tay, chân, miệng nói riêng là thường xuyên, công tác chống dịch là cấp bách, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. UBND tỉnh đang yêu cầu các đơn vị chức năng và các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch; tuyên truyền cách phòng, chống đến người dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyền thông trực tiếp tại cộng đồng, nhất là các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi. Các đoàn thể xác định đây là một trong những trọng tâm công tác, đưa việc phòng, chống dịch vào nội dung trong các đợt sinh hoạt; chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền, vật tư, cán bộ chuyên môn, bố trí khu cách ly, sẵn sàng nhận bệnh nhân điều trị, giảm tối đa các trường hợp biến chứng, tử vong; thực hiện phân tuyến, hạn chế chuyển tuyến; thực hiện chế độ trực dịch 24/24 giờ…