DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

10/06/2020 00:00
Những năm qua ở nước ta bệnh dại đã làm chết nhiều người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội. Giai đoạn 2011-2016, trung bình mỗi năm có 92 ca tử vong và khoảng 400.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, tổn hại đến sức khỏe và gây ra thiệt hại hằng năm trên 800 tỷ đồng.
Đoàn xe lưu động tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 948 người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng điều trị phơi nhiễm với bệnh dại, trong đó có 04 trường hợp tử vong (01 ở Kỳ Sơn, 01 ở Lương Sơn, 01 ở Cao Phong và 01 ở Đà Bắc) tăng cao gấp 2,7 lần so với cùng kỳ hàng năm và là một trong ba tỉnh có tỷ lệ tử vong do bệnh dại đứng đầu toàn quốc. Trong 04 trường hợp tử vong kể trên thì 03 trường hợp là trẻ em dưới 15 tuổi. Các trường hợp tử cong đều do bị chó cắn và không được điều trị dự phòng bằng vắc xin, huyết thanh kháng dại.

Hiện nay mầm bệnh lây truyền bệnh dại cho người chủ yếu là từ chó nuôi, song công tác tiêm phòng dại cho đàn chó ở nhiều nơi đạt tỷ lệ thấp so với tổng đàn như: Huyện Cao phong (51,2%); Lương Sơn (57,2%), Đà Bắc (59%), Kỳ Sơn (62,6%), Mai Châu (16,7%)…Công tác quản lý chó nuôi bị buông lỏng, nhiều xã không thống kê được đàn chó, không có danh sách các hộ nuôi chó, việc nuôi thả rông còn phổ biến. Mặt khác, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho bệnh dại phát triển. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục về phòng, chống bệnh dại và xử lý các vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo thực hiện chưa kiên quyết.

Dự báo tình hình dịch bệnh dại trên đàn chó và trên người trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, có thể gây thêm nhiều cái chết thương tâm nếu không được khống chế kịp thời. Để tăng cường các biện pháo cấp bách phòng, chống bệnh dại, UBND các huyện, thành phố cần tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền) chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn; triển khai các hoạt động cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương. Tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm triển khai công tác tiêm phòng vắc xin dại triệt để trên đàn chó. Yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc xích, nhốt và tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi theo quy định. Tăng cường và kiên quyết áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin dại được quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 và Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.