DetailController

Thời sự trong ngày

Tăng cường các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù

29/12/2021 00:00
Trong những năm qua, nhận thức đúng tính chất phức tạp, tầm quan trọng của công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị lực lượng vũ trang, Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp và phối hợp với Mặt trận tổ quốc chỉ đạo các thành viên chủ động nắm chắc tình hình, chuẩn bị các điều kiện thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng. Tỷ lệ tái phạm tội, vi phạm pháp luật chiếm tỷ lệ thấp 46/1544= 2,97%. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Qua các năm, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội cũng có chiều hướng gia tăng, các loại tội phạm mới, các băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu xã hội đen cũng đã xuất hiện. Điển hình như tình trạng tội phạm tín dụng đen, đánh bạc dưới hình thức số lô đề qua mạng…Đặc biệt tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hai xã Hang Kia, Pà Cò thuộc huyện Mai Châu, trên tuyến QL6, đoạn qua tỉnh Hòa Bình. Hoạt động của các loại tội phạm với thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt, lợi dụng khoa học công nghệ phát triển, khai thác triệt để những điều kiện tự nhiên, xã hội để hoạt động phạm tội; không giới hạn địa bàn… Điều đó được thể hiện qua số lượng người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình…tiếp tục có chiều hướng gia tăng gây khó khăn cho công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng.

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những công tác trọng tâm trong việc triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh  tiếp tục chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt quy định “Hướng dẫn việc tổ chức dạy văn hóa, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, phổ biến thông tin thời sự, chính sách và thực hiện chế độ sinh hoạt, giải trí cho phạm nhân”. Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh viết bài, đưa tin, tổ chức hội nghị, lớp học, phát tờ rơi….nhằm nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kêu gọi trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và Nhân dân trong việc xóa bỏ thái độ, hành vi định kiến, kỳ thị đối với người chấp hành xong án phạt tù. Quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, góp phần phòng, chống tái phạm tội và phạm pháp luật; tuyên truyền những mô hình, cách làm hay, cách làm sáng tạo, có hiệu quả thiết thực giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng. Các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên… vận động hội viên, người thân trong gia đình tuyên truyền, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống.

Trong năm 2021 đã có 1.544 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống, hiện đang quản lý 1.186 người; số đối tượng tái phạm tội, vi phạm pháp luật là 46 người. Ủy ban nhân dân cấp huyện, các phòng, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp xã…đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; lập 126/151 hồ sơ chuyên đề nghiệp vụ để quản lý theo quy định. Đồng thời trực tiếp tư vấn, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù làm các thủ tục cấp giấy chứng minh nhân dân, khôi phục khẩu, cấp giấy phép lái xe …và các thủ tục hành chính theo thẩm quyền…Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao đã thực hiện phân loại, cập nhật 3717 thông tin Lý lịch tư pháp về án tích; lập bổ sung 2143 phiếu cung cấp thông tin lý lịch tư pháp; lập mới 576 bản lý lịch tư pháp trên cơ sở dữ liệu. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xác nhận còn án tích hay không còn án tích cho người chấp hành xong án phạt tù để họ có điều kiện thuân lợi xin việc làm, đi xuất khẩu lao động…Thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 25 lượt người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động 12 mô hình về tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, hiện nay công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do hạn chế về kinh phí; một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện; công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên; vẫn còn có sự định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong án phạt tù. Việc hướng nghiệp dạy nghề, tư vấn chưa sát thực với thực tế, do đó phần lớn người chấp hành xong án phạt tù bỏ địa phương đi nơi khác để tìm kiếm việc làm mưu sinh nên việc quản lý còn gặp khó khăn. Một số người sau khi được đặc xá, tha tù chưa chịu làm ăn, không có nghề nghiệp, trình độ văn hoá thấp...nhất là số người phạm tội về ma tuý, nghiện các chất ma túy, số phạm tội theo băng nhóm, có tổ chức, chuyên nghiệp...không chịu sự quản lý của chính quyền địa phương, sự quan tâm của gia đình và sự giúp đỡ của các tổ chức chính trị xã hội ... gây khó khăn cho công tác hòa nhập cộng đồng.

Tái hòa nhập cộng đồng là một trong các biện pháp quan trọng nhằm bảo đảm đời sống cho người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ có được cuộc sống ổn định, không tái phạm tội. Vì vậy, trong các năm tiếp theo cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả hơn các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các chương trình, kế hoạch của tỉnh đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống; xây dựng các kế hoạch, chương trình, quy chế phối hợp trong việc thực hiện của các lực lượng; công tác hướng nghiệp, dạy nghề, cho vay vốn, tạo công ăn việc làm để người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, phòng tránh tái phạm tội. Thành lập quỹ tái hòa nhập cộng đồng. Nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến làm nòng cốt trong công tác tái hòa nhập cộng đồng./.