DetailController

Khoa học - Môi trường

Tăng cường bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hoà Bình

09/02/2023 00:00
Thành phố Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018. Đến nay, Thành phố Hòa Bình có 6/7 xã đạt chuẩn NTM; còn 1 xã chưa đạt chuẩn NTM là Độc Lập. Toàn thành phố có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân tiêu chí NTM đạt 18,14 tiêu chí/xã.
Xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình xây dựng được nhiều tuyến đường xanh, sạch, đẹp, tiêu biểu trong xây dựng NTM

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn thành phố còn khó khăn, vướng mắc như: Sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững cũng như vùng hàng hóa tập trung để kết nối thị trường. Kinh tế hợp tác ở nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại sản xuất; liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế. Bên cạnh đó là những khó khăn trong việc duy trì các tiêu chí về an ninh – trật tự xã hội, đặc biệt là tiêu chí môi trường, xử lý rác thải. Để khắc phục những yếu kém trên, UBND thành phố Hòa Bình đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hòa Bình giai đoạn 2021-2025. Trong đó đặt mục tiêu trong giai đoạn này phấn đấu: Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; Xây dựng 1 - 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp. Ít nhất 15% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị xã, phường có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả. Ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Có 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom; 70% được vận chuyển và xử lý theo đúng quy định. Có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; hộ gia đình nông thôn và trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Để đạt được các mục tiêu trên, trước nhất, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường hoạt động chia sẻ, trao đổi thông tin về việc xây dựng môi trường nông thôn; chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới thực hiện chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát huy hiệu quả của truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội và các hình thức truyền thông mới; xây dựng các chương trình chuyên đề, chuyên mục định kỳ về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát sóng định kỳ trên các đài truyền thanh, trang thông tin điện tử.

Làm tốt công tác quy hoạch, triển khai thực hiện các công trình thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt theo phương án đã được xây dựng. Rà soát, hoàn thiện các quy hoạch và quản lý đất đai liên quan đến các công trình bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch; chủ động bố trí quỹ đất phục vụ cho các công trình nước sạch và bảo vệ môi trường trong kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách liên quan; vận dụng tốt các chính sách tín dụng, chính sách về thuế, chính sách hỗ trợ trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ đối với nhà đầu tư trong hoạt động xử lý môi trường. Tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ vào cấp nước và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục đầu tư một số mô hình cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh nhỏ lẻ tại các vùng đặc thù, khó khăn về nguồn nước (vùng thiếu nước, vùng sâu, vùng xa). Thu hút đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có (trong đó tập trung nâng cấp công nghệ xử lý chất lượng nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu). Khuyến khích phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; xây dựng và triển khai mô hình phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các địa bàn có mật độ dân cư khác nhau và mục đích sử dụng chất thải sau phân loại. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn phù hợp với đặc thù của từng địa phương.  Nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chất thải cho mục đích sản xuất nông nghiệp và các mục đích khác. Tăng cường cung cấp, trao đổi chất thải chăn nuôi để hình thành thị trường trao đổi chất thải hoặc chuyển giao cho đơn vị sản xuất các loại phân hữu cơ. Xây dựng và nhân rộng mô hình quản lý chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại địa phương, đặc biệt các khu vực đầu nguồn nước và nghiêm túc thực hiện các quy định về thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Tăng cường cải tạo chất lượng và cảnh quan môi trường nước mặt khu vực công cộng; cải tạo cảnh quan và khôi phục chất lượng môi trường nước khi bị ô nhiễm. Tích cực phát huy vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tham gia xây dựng, vận hành các công trình, hệ thống, mô hình về bảo vệ môi trường nông thôn trên cơ sở quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm và cơ chế tài chính rõ ràng, minh bạch và có sự đồng thuận cao; khuyến khích hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ, đội, nhóm bảo vệ môi trường đứng ra đảm nhận quản lý, vận hành mô hình bảo vệ môi trường sau đầu tư tại địa phương./.