Để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, Huyện ủy Đà Bắc đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-HU ngày 28/5/2016 về phát triển giao thông trên địa bàn huyện Đà Bắc giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030; Hội đồng nhân dân huyện ban hành Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 08/7/2020 về thông qua Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn huyện Đà Bắc giai đoạn 2020-2025, trong đó xác định giai đoạn 2020-2025 cứng hóa khoảng 25 km đường giao thông nông thôn theo hình thức Nhân dân tự làm, nhà nước hỗ trợ với tổng kinh phí là 18 tỷ đồng. Ngày 03/8/2020, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Quyết định số 2000/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án cứng hóa giao thông nông thôn huyện Đà Bắc giai đoạn 2020-2025; hàng năm ngân sách huyện sẽ bố trí 3,0 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án cứng hóa giao thông nông thôn.
Kết quả, trong 6 năm từ năm 2016 đến nay, huyện đã cứng hóa được khoảng 382 km đường giao thông nông thôn. Tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường do huyện quản lý đã vượt chỉ tiêu do Nghị quyết đề ra: Tỷ lệ đường huyện cứng hoá đạt 100%; tỷ lệ đường xã cứng hoá đạt 99%; tỷ lệ đường trục thôn xóm cứng hoá đạt: 84%; tỷ lệ đường ngõ xóm cứng hoá đạt: 79%; tỷ lệ đường nội đồng cứng hoá đạt 50%. Huyện đã huy động và lồng ghép hiệu quả các nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông nông thôn, như: Nguồn ngân sách trung ương, tỉnh, hỗ trợ, nguồn ngân sách huyện, 30a, nông thôn mới, 135...
Mặc dù hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đã từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, nên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu đồng bộ, kém kết nối, vẫn là điểm nghẽn trong quá trình phát triển. Mạng lưới giao thông đối ngoại, mang tính liên kết vùng với các huyện, tỉnh bạn còn thiếu, quy mô nhỏ; tỉnh lộ 433 là tuyến đường tỉnh độc đạo qua địa bàn huyện cơ bản mới chỉ đạt cấp B-GTNT. Hệ thống giao thông nông thôn có tỷ lệ cứng hóa cao hơn những nền mặt đường còn nhỏ hẹp, độ dốc lớn, năng lực lưu thông, vận chuyển hàng hóa chưa cao, chưa đảm bảo phục vụ nhu cầu giao thông an toàn, thuận lợi. Những năm gần đây do thiên tai, lũ bão nên tuyến đường tỉnh 433 và hệ thống giao thông nông thôn xuống cấp, nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, địa hình hiểm trở, chia cắt mạnh... là những yếu tố khiến tiêu chí phát triển giao thông nông thôn đạt thấp. Mặc dù đã có cơ chế chính sách huy động nguồn vốn nhà nước và Nhân dân cùng làm đối với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, khi được triển khai tại các xã trên địa bàn lại gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do đặc thù là huyện miền núi nghèo, dân cư sống rải rác thưa thớt, thu nhập của người dân còn thấp nên cơ chế hỗ trợ kêu gọi nguồn lực, vốn vận động trong dân (vốn đối ứng) không nhiều so với khối lượng cần thực hiện. Kinh phí để nâng cấp, sửa chữa và đầu tư mới các tuyến đường giao thông, bến xe, bến thủy nội địa còn thiếu trong khi đó số phương tiện giao thông trên địa bàn ngày càng tăng nhanh, yêu cầu xã hội ngày càng phát triển, sự giao lưu, giao thương ngày càng lớn, cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác giao thông trên địa bàn huyện.
Ngày 26/8/2021, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về “Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đồng bộ hiện đại, trọng tâm và ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025”, đây là tiền đề, căn cứ, cơ sở quan trọng để huyện nghiên cứu, đề xuất hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông trên đại bàn huyện vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Huyện Đà Bắc xác định cần tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm đã đăng ký và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt năm 2022 “Cứng hóa tối thiểu 5km đường GTNT trên địa bàn bằng hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đường GTNT”. Thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, có quy mô lớn. Đặc biệt, huyện cũng cần tranh thủ huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, các nguồn vốn viện trợ, vốn tài trợ để phát triển giao thông; có cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực lâu dài có ý nghĩa đẩy mạnh phát triển giao thông, coi đây là bước đi đột phát trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.