DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm

27/04/2016 00:00
Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh ta, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp tổ chức tốt nhiều đợt kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong năm 2015, 20.641 đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 344.657 cơ sở, phát hiện 77.946 cơ sở vi phạm, chiếm 22,6%. Trong quý I/2016, kiểm tra tại 109.195 cơ sở, phát hiện 20.572 cơ sở vi phạm, chiếm 18,8%. Qua đợt cao điểm ATTP (10/2015 – 2/2016) cho thấy mức độ tồn dư các chất độc hại, chất cấm trong nhiều loại thực phẩm đã có mức giảm đáng kể. Dư lượng thuốc BVTV trong rau là 5,17% (năm 2014 là 5,43%, 9 tháng đầu 2015 là 10,3%); thịt vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn là 1,91% (năm 2014 là 6,84%, 9 tháng đầu năm 2015 là 4%); sản phẩm thủy sản vi phạm với tỷ lệ cao; vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn là 7,27% (2014 là 1,21%, 9 tháng đầu năm 2015 là 1,01%). Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Khâu tổ chức thực hiện bảo đảm ATTP còn nhiều hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý VSATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm ngay trên địa bàn mình quản lý, hầu hết các vụ vi phạm là do báo chí và các cơ quan chức năng của Trung ương phát hiện; rất ít vụ vi phạm do địa phương phát hiện. Vệc ban hành các văn bản dưới luật, nhất là thông tư hướng dẫn thi hành luật trong những năm đầu còn chậm. Lực lượng kiểm tra còn hạn chế về số lượng và chất lượng, thiếu nhiều trang thiết bị kỹ thuật, các phòng kiểm nghiệm chưa phát triển phương pháp kiểm nghiệm theo kịp nhu cầu. Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm….

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận bàn về các nội dung tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, cho ý kiến dự thảo chỉ thị của Thủ tướng về bảo đảm an toàn thực phẩm; việc triển khai chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.

Thời gian tới, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm, hội nghị đã thống nhất 4 nhóm giải pháp chính, gồm: Tiếp tục đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của chính quyền địa phương trong công tác quản lý; coi đây là nhiệm vụ cần tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế- xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm; phát huy vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm ATTP. Thực hiện mục tiêu năm 2016 tạo chuyển biến rõ nét đối với các vấn đề: quản lý việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất, thuốc trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm; xử lý dứt điểm việc sử dụng Sabutamol, vàng ô, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Bộ Y tế siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, bảo đảm, vệ sinh trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp. UBND các tỉnh tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các điểm nóng về an toàn thực phẩm đang được dư luận và xã hội quan tâm trên địa bàn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh để bảo đảm ATTP đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng Chính Phủ.đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, nhất là trách nhiệm của người sản xuất; trách nhiệm của người đứng đầu của các địa phương, đơn vị. Đồng chí cũng yêu cầu các địa phương phải vận động tuyên truyền cho các hộ nông dân, doanh nghiệp thay đổi tư duy sản xuất và đăng ký các quy trình sản xuất sạch để các chính quyền và đoàn thể giám sát. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đại chúng phải đẩy mạnh tuyên truyền đồng bộ và quyết liệt nhằm góp phần tạo ra bước đột chuyển thực sự về an toàn thực phẩm.