DetailController

Khoa học - Môi trường

Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường

07/01/2021 00:00
Bảo vệ môi trường tự nhiên vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu phát triển bền vững. Vì thế, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã chung tay thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế, khắc phục căn bản tình trạng ô nhiễm, nhất là tại các khu công nghiệp, đô thị, dân cư. Đến nay, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân trong công tác bảo vệ môi trường ngày càng nâng lên; chất thải rắn, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom và xử lý đúng quy định.
Trong 5 năm, tỉnh đã bố trí 68 tỷ đồng đề thực hiện các dự án trồng rừng.

Những năm qua, tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, khai thác quỹ đất, đảm bảo tiết kiệm, bền vững, chống biến đổi khí hậu. Thông tin về quy hoạch đất đai, tài nguyên khoáng sản được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng văn bản hướng dẫn của ngành, địa phương. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm, triển khai Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc nông lâm trường quốc doanh. Bên cạnh đó, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được tăng cường. Trong 5 năm, tỉnh tiến hành cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho 172 tổ chức với diện tích trên 1.908 ha, cấp đổi giấy chức nhận cho 102 tổ chức với diện tích 36,12 ha. Thực hiện giải quyết các nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai cho 350 tổ chức, cá nhân, đến nay, đạt tỷ lệ 93%.

Công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản được đặc biệt chú trọng. Việc cấp phép các hoạt động khai thác, thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân theo quy định. Trong 5 năm, tỉnh tiến hành cấp 7 giấy phép thăm dò khoáng sản đơn vị và 18 giấy phép khai thác khoáng sản. Đồng thời, rà soát, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép khai thác khoáng sản của 14 đơn vị, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản của 41 đơn vị và đóng cửa 3 mỏ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 95 dự án khai thác khoáng sản còn hiệu lực, cấp 157 giấy phép thăm dò, khai thác nước ngầm, nước mặt, xả nước thải. Lũy kế đến nay có 224 giấy phép hoạt động tài nguyên nước còn hiệu lực.

Cơ quan chức năng tập trung hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục tồn tại, thực hiện đúng quy trình xử lý bụi, tiếng ồn, nước thải để bảo vệ môi trường. Chất lượng công tác thẩm định các dự án đầu tư mới từng bước được nâng lên, nhiều ưu đãi được triển khai nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong ngành công nghiệp sạch, công nghiệp không khói và không nước thải. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản được tăng cường, từ đó, ngăn chặn kịp thời các tụ điểm khai thác khoáng sản trái phép, các nhà máy, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đến nay, 100% các đơn vị được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đều lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường. Đa số các dự án khai thác khoáng sản đã lập dự án, đề án cải tạo phục hồi môi trường và thực hiện ký quỹ cải tạo phục hội môi trường theo quy định.

Trong giai đoạn 2016-2020, 2 cơ sở xử lý chất thải rắn tại huyện Kỳ Sơn và huyện Lạc Thủy được xây dựng. Toàn tỉnh hiện có 3 cơ sở xử lý chất thải rắn, 9 cơ sở hoạt động dịch vụ môi trường hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, 2 đội vệ sinh môi trường do phòng Tài nguyên và Môi trường huyện quản lý và 22 tổ thu gom rác ở các xã do các tổ chức đoàn thể, hợp tác xã nông nghiệp quản lý. Công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt thực hiện tại 73 xã.

Hàng năm, vào ngày môi trường thế giới, các cấp, các ngành đồng loạt tổ chức lễ phát động hưởng ứng ngày môi trường, nhằm tuyên truyền, hướng dẫn giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Xây dựng website về biến đổi khí hậu tỉnh Hòa Bình, thu hút nhiều lượt theo dõi. Trong 5 năm, tỉnh đã bố trí 68 tỷ đồng đề thực hiện các dự án trồng rừng, khoảng 1.000 tỷ đồng thực hiện các dự án phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất trí, đồng lòng của nhân dân, doanh nghiệp, đến nay, 90% chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý, 70-80% chất thải nông thôn được thu gom, xử lý, tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 95%, tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 98%. Qua đó, môi trường sống đảm bảo an toàn, công tác quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên thực hiện có hiệu quả, giữ vững tăng trưởng xanh và phát triển bền vững./.