DetailController

Kinh tế

Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời kiến nghị cử tri từ trước Kỳ họp thứ 3 đến trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

17/11/2022 00:00
Cử tri kiến nghị (trước Kỳ họp thứ Tư):
1. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm việc tranh chấp đất giữa công ty D&G với đất của Nhân dân xóm Bay, xóm Trung Tằm và xóm Sổ.
2. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại diện tích đất đã giao cho Lâm trường Tu Lý quản lý, sử dụng nhưng hiệu quả thấp để bàn giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
3. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ quy định của pháp luật hiện hành chỉ đạo các địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có phương án chuyển mục đích sử dụng một phần đất rừng sản xuất sang đất ở, nhất là đối với các xã vùng hồ sông Đà, khó khăn về đất ở để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
4. Hiện nay, số lượng mỏ khoáng sản được cấp phép trên địa bàn huyện rất lớn, tác động không nhỏ đến môi trường sống, an ninh, trật tự của địa phương. Đặc biệt là địa bàn 02 xã Liên Sơn và Cao Dương với 34 mỏ khoáng sản được cấp phép. Cử tri đề nghị trong thời gian tới tỉnh không xem xét cấp phép mới các mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện. Đồng thời, xem xét chấm dứt hoạt động, thu hồi đối với các mỏ không triển khai hoặc triển khai không hiệu quả, chây ỳ thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc có nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động.
5. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động khoáng sản, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan; rà soát, điều chỉnh giấy phép của các mỏ có khoảng cách với khu dân cư không đảm bảo theo quy định.

Trả lời

Tại Văn bản số 4506/STNMT-VP ngày 03/11/2022 Sở Tài nguyên và Môi trường đã trả lời như sau:

Nội dung 1:

 Thực hiện Kết luận thanh tra số 05/KL-TTr ngày 14/02/2022 của Thanh tra tỉnh về việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 10 dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, sau khi kiểm tra, rà soát hồ sơ và các nội dung có liên quan, ngày 06/4/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 1140/STNMT-QLĐĐ gửi các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Đà Bắc về việc thực hiện hiện Kết luận thanh tra số 05/KL-TTr ngày 14/02/2022 của Thanh tra tỉnh.

Việc rà soát, đối chiếu với bản đồ đất lâm nghiệp theo dự án 672 và các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ được UBND huyện Đà Bắc đang chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan thực hiện rà soát.

Ngày 01/11/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 4467/STNMT-QLĐĐ gửi UBND huyện Đà Bắc và các cơ quan có liên quan về việc thực hiện Kết luận thanh tra số 05/KL-TTr ngày 14/02/2022 của Thanh tra tỉnh (lần 2), sau khi UBND huyện Đà Bắc và các cơ quan có liên quan có kết quả báo cáo rà soát diện tích đất chồng lấn và hồ sơ gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh diện tích đất chồng lấn giữa Công ty D&G với đất của Nhân dân trên địa bàn huyện theo quy định.

Nội dung 2

Thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Theo đề xuất, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình được UBND tỉnh cho thuê 2.601,13 ha đất tại huyện Đà Bắc để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp và sản xuất kinh doanh tại Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 14/01/2014; ký hợp đồng thuê đất số 11/HĐTĐ ngày 23/01/2019 thời hạn thuê đất đến ngày 15/10/2043; trong đó: xã Tân Minh 783,76 ha; xã Cao Sơn 636,42 ha; xã Hào Lý 129,04 ha; xã Tu Lý 1.051,25 ha và thị trấn Đà Bắc 0.66 ha. Diện tích đất trên của Công ty đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hoá cho Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 03/02/2016.

Hiện nay Công ty đang tự sản xuất trồng rừng và giao khoán cho các hộ dân. Do đó, việc kiến nghị xem xét điều chỉnh lại diện tích đất đã giao cho Công ty quản lý, sử dụng nhưng hiệu quả thấp để bàn giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là không có cơ sở.

Nội dung 3

Ngày 27/12/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 3042/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2017-2025, định hướng 2030 tỉnh Hòa Bình. Theo đó, tại Quyết định trên đã điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích đất rừng phòng hộ là 25.322,11 ha; đất rừng sản xuất là 16.993,91ha.

Hiện nay diện tích đất các hộ đang sử dụng có nguồn gốc là đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đã được điều chỉnh nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng theo Quyết định trên, đến nay chưa được UBND các huyện, thành phố thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sang mục đích khác.

Để việc sử dụng đất được đúng theo quy hoạch, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, kịp thời cấp Giấy chứng nhận cho các hộ dân đảm bảo theo quy định. Ngày 01/7/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát các trường hợp cần chuyển mục đích sử dụng rừng tại văn bản số 1448/STNMT-QLĐĐ. Trong đó đề nghị UBND các huyện, thành phố:

(1). Rà soát quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Trường hợp diện tích đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất đã được điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch ba loại rừng, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất (trước đây là đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất nay đã điều chỉnh ra ngoài quy hoạch ba loại rừng, theo quy hoạch sử dụng đất nay là đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp khác hoặc đất phi nông nghiệp) thì thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất cho các hộ dân.

(2). Đối với các trường hợp trước đây là đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất đã được điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch ba loại rừng mà chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến cấp huyện. Đề nghị UBND các huyện, thành phố thực hiện cập nhật đưa vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ cho việc chuyển mục đích sử dụng đất.

(3). Việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất thực hiện theo quy định tại Điểm c Điểm d Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013 (chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền).

Nội dung 4:

Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được thực hiện theo quy hoạch khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể:

Đối với khoáng sản làm Vật liệu xây dựng thông thường: Nghị quyết số 76/2013/NQ-HĐND ngày 11/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh, về việc thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng ba loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường: Đá làm vật liệu xây dựng, sét làm gạch ngói, cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014 – 2019, tầm nhìn đến năm 2024; Quyết định 79/QĐ-UBND ngày 22/1/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc phê duyệt dự án quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản và sử dụng ba loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường: đá làm VLXD, sét làm gạch ngói, cát làm VLXD trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Hiện nay, căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc giải thích một số điều của Luật quy hoạch và Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 của Chính phủ về việc ban hành danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật quy hoạch. Ủy ban nhân dân tỉnh đang tiến hành lập quy hoạch tỉnh, trong đó quy hoạch khoáng sản được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với định hướng cấp mỏ khai thác đá trong thời gian tới trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và huyện Lương Sơn nói riêng sẽ dừng cấp phép mới các mỏ khoáng sản theo Kết luận của Ban thường vụ tỉnh ủy tại Hội nghị ngày 20/5/2022; đồng thời rà soát, xử lý các mỏ vi phạm, không còn phù hợp với quy hoạch, hiệu quả thấp, ảnh hưởng tới đời sống của người dân, chủ mỏ không chấp hành nghĩa vụ tài chính theo quy định, nợ thuế kéo dài, làm hỏng hạ tầng giao thông sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Nội dung 5:

Ngày 07 tháng 6 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hanh Quyết định số 1088/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác Liên ngành kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật trong khoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, gồm các nội dung: Kiểm tra việc khai thác theo Giấy phép khai thác được cấp, khai thác theo hồ sơ thiết kế được thẩm định; kiểm tra xác định ranh giới khai thác, trữ lượng đã khai thác của các mỏ; việc chấp hành quy định quản lý, sử dụng vật liệu nổ; việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; việc chấp hành quy định pháp luật về đất đai đối với diện tích mặt bằng chế biến và các hạng mục phụ trợ; việc thực hiện các quy định về nghĩa vụ tài chính đối với trữ lượng đã khai thác và sử dụng mặt bằng đất đai; kiểm tra các nội dung khác khi thấy cần thiết. Hiện nay, tổ công tác đã kiểm tra được 63 mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, đã có báo cáo kết quả kiểm tra đợt 01 với 38 mỏ đá tại địa bàn huyện Lương Sơn; Tổ công tác đang tổng hợp báo cáo đợt 2 và đề xuất kiến nghị xử lý các vi phạm của các đơn vị đã được thanh tra, kiểm tra. Kiên quyết xử lý các đơn vị không thực hiện nghiêm túc các quy định về hoạt động khoáng sản, ngừng sử dụng hóa đơn; thu hồi giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; không cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, đình chỉ hoạt động; tước hoặc thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản đối với khu vực khai thác của các tổ chức, cá nhân có nguy cơ cao về mất an toàn lao động; nợ đọng thuế phí, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bức xúc cho người dân và xã hội.

Đối với các mỏ đang hoạt động: Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó cần thực hiện rà soát, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản; khuyến khích đầu tư, đổi mới đồng bộ công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường cho công tác khai thác, chế biến khoáng sản; chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng quy mô nhỏ bảo đảm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các mỏ khoáng sản tiếp tục hoạt động trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, theo thiết kế ban đầu, đúng công nghệ, không ảnh hưởng môi trường; chấp nhận việc nâng công suất, rút ngắn thời gian khai thác mỏ khoáng sản; không chấp thuận việc mở rộng diện tích khai thác mỏ, đồng thời dừng việc cấp mới các mỏ khai thác khoáng sản./.