DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Sơ kết công tác phòng, chống thiên tai 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022

22/09/2022 00:00
Ngày 21/9, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác phòng, chống thiên tai 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh; đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Hòa Bình chịu ảnh hưởng của hoàn lưu 02 cơn bão số 02 và 03  gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh từ ngày 10/8- 12/8/2022 và từ ngày 25/8 - 26/8/2022. Trong 9 tháng đã xảy ra 13 đợt không khí lạnh, 02 đợt rét đậm, rét hại kèm mưa giông và giảm dần; 08 đợt nắng nóng diện rộng; xuất hiện 13 đợt mưa lớn diện rộng. Theo đánh giá, giông lốc, mưa đá, sét xảy ra nhiều hơn so với năm 2021. Các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh như: Dông lốc, mưa lớn cục bộ, rét đậm, rét hại gây mưa vừa, mưa lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét...đã gây thiệt hại trên địa bàn cả 10 huyện, thành phố, làm 10 người chết và 01 người mất tích; 01 người bị thương; 213 hộ dân bao gồm 814 người bị ảnh hưởng. Thiệt hại hoàn toàn trên 70% là 10 nhà, thiệt hại từ 50-70% là 17 nhà, thiệt hại từ 30-50% là 189 nhà, thiệt hại dưới 30% là 335 nhà, nhà phải di dời khẩn cấp là 188 nhà; nhà bị ngập nước là 487 nhà; 4 điểm trường, 8 công trình văn hóa bị thiệt hại; khoảng 1.703ha diện tích lúa, 80,4ha diện tích mạ, 607ha hoa màu bị thiệt hại. Trong chăn nuôi, 965 con gia súc, 12.230 con gia cầm bị chết, 220 con vật nuôi khác bị chết. Nhiều công trình bị hư hỏng, sạt lở; một số đoạn đường giao thông bị hư hỏng…Ước tính thiệt hại trên 671 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng và đặt lên hàng đầu. Tỉnh và các đơn vị có liên quan đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống thiên tai; công bố trình trạng khẩn cấp về thiên tai làm ảnh hưởng, hư hỏng các công trình. Đồng thời triển khai các biện pháp, phương án, kế hoạch ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập và các khu dân cư năm 2022. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết để sẵn sàng phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.

Khi có thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã yêu cầu Chính quyền địa phương chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả dông lốc, mưa lũ, sạt lở đất thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở, khu vực ngầm bị ngập nước cấm các phương tiện giao thông và người di chuyển qua lại; thường xuyên cử người xuống các xã để hướng dẫn, chỉ đạo sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở đảm bảo an toàn cho người dân; huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác khắc phục…

Nhằm hỗ trợ người dân vùng thiên tai, tỉnh đã triển khai 12 công trình và 04 mục hỗ trợ kinh phí di dân sửa chữa nhà ở. Hiện tại đã có 9 công trình và 04 hạng mục hỗ trợ kinh phí di dân sửa chữa nhà ở đã thực hiện thi công hoàn thành, chi trả đúng đủ đối tượng; còn 03 công trình đang thi công đạt từ 8,9 - 80% khối lượng. Đối với gia đình có người chết, mất tích, lãnh đạo chính quyền địa phương đã đến tận nơi phúng viếng, thăm hỏi, động viên gia đình...

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương đã đánh giá làm rõ thêm kết quả phòng, chống thiên tai trên địa bàn; những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như: công tác cảnh báo, dự báo còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tế thiên tai dẫn đến bị động trong công tác ứng phó; còn tình trạng người dân chủ quan, lơ là cảnh giác; việc truyền tải thông tin thiên tai tại địa bàn các thôn, xóm, vùng sâu, vùng xa còn chậm; nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai còn hạn hẹp…Đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá 9 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh chịu thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai. Do đó, những tháng cuối năm 2022 cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động người dân chủ động phòng, ngừa thiên tai. Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ„. Rà soát, kiện toàn BCH PCTT&TKCN cấp mình; phân công đồng chí phụ trách địa bàn. Các cơ quan ban, ngành, cơ quan thông tấn, báo chí, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin, cảnh báo thiên tai cho Nhân dân, hướng dẫn khai thác sử dụng thông tin dữ liệu từ 31 trạm đo mưa tự động qua phần mềm Vrain (Hệ thống đo mưa chuyên dùng) nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh việc thu nộp quỹ thiên tai theo quy định. Củng cố, kiện toàn đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, phát huy hiệu quả của lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai tại địa phương. Triển khai có hiệu quả 02 kế hoạch Thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2025" tỉnh Hoà Bình; Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Thực nghiêm chế độ báo cáo kịp thời, chính xác theo quy định…/.