Qua 03 năm triển khai thực hiện Đề án cho thấy đã có sự chuyển biến tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là lực lượng LĐNT. Đã có 10/10 huyện có TTDN, UBND các huyện đã quan tâm tạo điều kiện về quỹ đất để đầu tư xây dựng TTDN, tạo điều kiện để bố trí cơ sở vật chất, một số trang thiết bị dạy nghề thiết yếu, bố trí về cán bộ giáo viên để TTDN hoạt động thực hiện nhiệm vụ dạy nghề. Các CSDN và các huyện về cơ bản đã có sự thống nhất về cách thức tổ chức, rút ra được những kinh nghiệm về dạy nghề cho LĐNT để tiếp tục áp dụng trong năm 2013 và các năm tiếp theo. Đã thành lập BCĐ cấp tỉnh, huyện; xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến nội dung Đề án đến các cấp. Công tác tuyên truyền được các cơ quan Báo, Đài truyền hình, BCĐ các huyện quan tâm thường xuyên. Các huyện, thành phố tổ chức điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề. Trung ương đã thí điểm các mô hình dạy nghề cho LĐNT như: thí điểm nuôi lợn Mường và trồng Nấm rơm tại huyện Lạc Sơn, nghề chổi chít ở huyện Lương Sơn, nuôi cá lồng ở huyện Đà Bắc, kỹ thuật trồng cây có múi ở huyện Cao Phong…Từ năm 2009 – 2012 đã thành lập mới 6/10 TTDN tại các huyện: Tân Lạc, Yên Thủy, Kim Bôi, Đà Bắc, Mai Châu và Kỳ Sơn. Có 8/10 dự án đầu tư xây dựng TTDN được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng/trung tâm; 10 CSDN được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề. Các CSDN đã phát triển xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của người lao động. Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh Hòa Bình có 237 người làm công tác Quản lý dạy nghề, trong đó cấp Sở: 05 người; cấp huyện: 22 người; cấp xã: 210 người. Hiện nay mới có 4/11 huyện, thành phố có cán bộ chuyên trách về dạy nghề, còn lại là cán bộ làm công tác kiêm nhiệm. Với nguồn kinh phí của Trung ương, ngân sách huyện và nguồn khác, trong năm 2012 đã tổ chức đào tạo 120 lớp với tổng số học viên là 3.303 người. Số lao động có việc làm sau đào tạo: 2.419 người, đạt 73,2%. Năm 2010 – 2012, Thường trực BCĐ ký với các CSDN 35 hợp đồng đào tạo nghề, cấp huyện ký 22 hợp đồng; Trong 3 năm, số lao động được học nghề theo hợp đồng đào tạo là 8.549 người, số lượng cán bộ, công chức xã được đào tạo, bồi dưỡng là 1.741 người. Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án được tổ chức kịp thời.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe tham luận của BCĐ các huyện; các Sở, ngành của tỉnh. Trong đó, hội nghị nhất trí cao với nội dung, đánh giá của báo cáo sơ kết 03 năm của BCĐ. Các đại biểu đã nêu ra những khó khăn về vấn đề kinh phí đào tạo, cơ sở vật chất và kiến nghị nâng cao chất lượng đào tạo đối với giáo viên và học viên.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Đề án một lần nữa khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn cũng như những hiệu quả mà Đề án mang lại. Đồng chí ghi nhận kết quả đã đạt được trong 3 năm qua trong công tác chỉ đạo điều hành và việc thực hiện các hoạt động của Đề án. Mặc dù chưa đạt được chỉ tiêu như trong kế hoạch đề ra nhưng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ta hiện đang đi đúng hướng, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho địa phương, ổn định tình hình an ninh nông thôn. Góp phần chuyển dịch và đa dạng hóa cơ cấu ngành nghề địa phương, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người lao động. Một số khó khăn còn tồn tại như: nhận thức của cán bộ, đảng viên, LĐNT về dạy nghề; việc có nghề sau đào tạo; thiếu cán bộ chuyên trách, đội ngũ giáo viên có trình độ, có kinh nghiệm; thiếu kinh phí và cơ sở vật chất…Định hướng trong thời gian tới, trên cơ sở rút kinh nghiệm, điều chỉnh Đề án theo hướng phù hợp hơn, bố trí nguồn cán bộ, giáo viên đào tạo, phân bố nguồn kinh phí, các cấp tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch huyện phê duyệt.