Các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong thực hiện nhiệm vụ CCHC theo Quyết định số 813/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng đạo đức công vụ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về tinh thần, thái độ, tác phong, lề lối làm việc, tiến độ và hiệu quả thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý; thực hiện việc xử lý kỷ luật, điều chuyển công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có dấu hiệu tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Rà soát, bố trí, sắp xếp, cơ cấu lại số lượng cấp phó các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc theo đúng quy định: Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn thành trước ngày 31/12/2023; Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình hoàn thành trước ngày 31/12/2024;
Nghiêm túc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với các vị trí yêu cầu phải chuyển đổi theo định kỳ; Bố trí, sắp xếp lại những công chức, viên chức có trình độ chuyên môn không đúng với vị trí việc làm đã được phê duyệt; Chỉ đạo Ban biên tập Trang thông tin điện tử của đơn vị thực hiện cung cấp thông tin đầy đủ và đảm bảo khả năng truy cập theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Tăng cường sử dụng văn bản điện tử và Hệ thống thư điện tử của tỉnh trong hoạt động điều hành của đơn vị; Thực hiện tạo lập hồ sơ công việc để phục vụ cho việc lưu trữ điện tử;
Nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo trên hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Hòa Bình; Thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu TTHC;
Thực hiện các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện thanh toán trực tuyến; Thực hiện thu phí thanh toán trực tuyến đối với các hồ sơ TTHC có thu phí, đảm bảo đạt chỉ tiêu 30% UBND tỉnh giao tại Quyết định số 1546/QĐ-UND ngày 30/7/2022 của UBND tỉnh, hoàn thành trước ngày 31/12/2022;
UBND các huyện, thành phố tiếp tục duy trì “Điểm hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến"; nghiên cứu, thành lập Tổ hỗ trợ người dân thực hiện thanh toán trực tuyến tại Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã;
Tập trung chỉ đạo thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch được giao;
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022;
Khẩn trương rà soát, chỉ đạo thực hiện cơ bản hoàn thành kiến nghị trong Kết luận của các Đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, ngân sách từ năm 2020 đến nay, nhất là việc nộp số tiền sai phạm vào ngân sách nhà nước;
Rà soát lại các giải pháp mới đã và đang thực hiện, liên quan đến CCHC; ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước; cải tiến quy trình, thủ tục để thu hút đầu tư, thu ngân sách, nếu có thì gửi Sở Nội vụ tổng hợp trước ngày 31/12/2022 để đề nghị Trung ương chấm điểm Chỉ số CCHC năm 2022 cho tỉnh;
Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 03/8/2022 về việc cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) tỉnh Hòa Bình năm 2022; Nhiệm vụ về tăng cường các giải pháp tiếp tục nâng cao Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng của người dân năm 2022 tại Công văn số 1315/UBND-NVK ngày 01/8/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh, hoàn thành trước 15/12/2022 gửi Sở Nội vụ tổng hợp.
Triển khai điều tra xã hội học theo Kế hoạch của Bộ Nội vụ, tập trung chỉ đạo, bám sát vào kết quả, thành tích đạt được các lĩnh vực CCHC năm 2022 của tỉnh để trả lời các câu hỏi trong phiếu điều tra, góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh;
Về cải cách thủ tục hành chính: Khẩn trương chỉ đạo, rà soát các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị, địa phương đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố đang còn hiệu lực để cập nhật, công khai trên Trang thông tin điện tử của ngành, địa phương, trong đó chủ động thực hiện việc kết nối, tạo đường dẫn liên kết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC lên Trang Thông tin điện tử của đơn vị theo đề nghị tại Công văn số 9306/VPUBND-NVK ngày 01/11/2022 của Văn phòng UBND tỉnh, tránh tình trạng chậm cập nhật TTHC hoặc còn đăng tải những TTHC viện dẫn văn bản hết hiệu lực thi hành trên Trang Thông tin điện tử của ngành, địa phương;
Nghiêm túc tuân thủ các bước theo quy trình điện tử đã cập nhật trên Hệ thống trong giải quyết hồ sơ TTHC trên phần mềm một cửa điện tử; khắc phục ngay (nếu có) tình trạng giải quyết hồ sơ quá hạn, việc chưa scan thành phần hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC lên hệ thống phần mềm một cửa điện tử; điều chỉnh tên chuyên mục cho thống nhất với tên gọi “Thủ tục hành chính” trên Trang Thông tin điện tử.
Rà soát lại các hồ sơ đã giải quyết, nếu quá hạn, phải ban hành văn bản xin lỗi người dân, tổ chức theo quy định.
UBND tỉnh giao các sở, ngành, VP UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ theo quy định; thường xuyên báo cáo kết quả triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) năm 2022 của tỉnh tại Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 03/8/2022, Công văn số 1315/UBND-NVK ngày 01/8/2022; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/12/2022 (qua Sở Nội vụ tổng hợp).
Về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với Chỉ số CCHC hàng năm của tỉnh: Giao Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh triển khai tự đánh giá, chấm điểm việc thực hiện nhiệm vụ CCHC của tỉnh năm 2022 theo Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2030”; tổng hợp kết quả tự đánh giá chấm điểm năm 2022, kèm theo tài liệu kiểm chứng kết quả thực hiện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/01/2023 (qua Sở Nội vụ tổng hợp).