Sáng kiến của nhóm tác giả đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng theo Chỉ thị số 15 - CT/TW của Ban Bí thư TW và Chỉ thị số 23 - CT/TU của BTV Tỉnh ủy về việc “Tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng”. Sau 5 năm thực hiện, sáng kiến đã tri ân và tôn vinh trên 300 hiện vật, tư liệu khoa học lịch sử lần đầu tiên được công bố. Đặc biệt, từ sáng kiến vận động của nhóm tác giả, nhiều cựu chiến binh Tây Tiến năm xưa và thân nhân gia đình các liệt sỹ đã hiến tặng nhiều kỷ vật quý giá của bộ đội Tây Tiến cho Bảo tàng tỉnh. Đó là những kỷ vật: nồi nấu cơm cho bộ đội Tây Tiến, chiếc đồng hồ chỉ huy chiến dịch, cho đến những câu chuyện về chiến công của những người anh hùng… Những kỷ vật trên đã được BTV Tỉnh ủy tổng hợp để xuất bản kỷ yếu Hội thảo khoa học lịch sử “Bộ đội Tây Tiến với tỉnh Hòa Bình”. Cũng từ các tư liệu lịch sử thu được, nhóm tác giả hiện đang giúp đỡ các gia đình thân nhân liệt sỹ hoàn thiện hồ sơ, đề nghị được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 liệt sỹ đã hy sinh trên mảnh đất Hòa Bình.
Tỉnh Hòa Bình hiện có 7 điểm dừng trong tổng số hơn 20 điểm dừng của tua du lịch theo con đường của bộ đội Tây Tiến năm xưa. Với những địa danh ghi dấu lịch sử về Trung đoàn 52 Tây Tiến anh hùng: Đài tưởng niệm liệt sĩ Tây Tiến ở xóm Trang, xã Thượng Cốc (huyện Lạc Sơn), nhà bia Tây Tiến ở huyện Mai Châu… Những kỷ vật của “bộ đội Tây Tiến” được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Những kỷ vật đó sẽ là những câu chuyện lịch sử sống động để giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, tạo thêm động lực trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay./.