Đối với sản xuất, ương dưỡng giống, sản lượng cá giống 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 145 triệu con giống các loại trong đó chủ yếu là các cơ sở sản xuất, ương dưỡng cá bột, cá hương, cá giống gồm các loài cá truyền thống và một số loài đặc sản như: Cá Chiên, Lăng, Ngạnh, Bỗng...phục vụ cho sản xuất. Duy trì diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha), trong kỳ báo cáo diện tích nuôi đạt khoảng 98%, diện tích còn lại đang cải tạo chuẩn bị thả giống. Số lồng nuôi cá 4.987 lồng. Sản lượng nuôi trồng 9 tháng đầu năm ước đạt 8.550 tấn, đạt 89,06 % kế hoạch giao. Khai thác thủy sản diễn ra chủ yếu là trên hồ thủy điện sông Đà và các sông suối lớn, hồ, đập. Phương tiện, ngư cụ khai thác gồm thuyền các loại 1.480 chiếc, lưới các loại 1.250 chiếc và 445 cái vó đèn. Đối tượng khai thác là các loại cá: Cá vền, ngão, tép dầu, cá ngần và tôm sông. Sản lượng khai thác thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 2.250 tấn đạt 93,75% kế hoạch đề ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý nuôi, phòng, chống dịch bệnh; đã tổ chức giám sát, cảnh báo sớm và hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên hồ thủy điện Hòa Bình. Phổ biến, tuyên truyền hướng dẫn cho người nuôi trồng thủy sản chủ động các biện pháp phòng bệnh, đạt hiệu quả. Tổ chức được 02 đợt quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Thu 56 mẫu nước quan trắc, cảnh báo môi trường (48 mẫu nước cơ sở nuôi thương phẩm, 08 mẫu nước cơ sở ương dưỡng). Tổ chức được 03 đợt giám sát dịch bệnh. Thu 48 mẫu cá và 48 mẫu nước giám sát dịch bệnh tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên hồ thủy điện Hòa Bình gửi đi phân tích tại Trung tâm quan trắc và cảnh báo môi trường - Viện thủy sản I để kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước gồm: NO2, NO3, PO4, NH3, Fe, GH, Kiềm, Độ trong, Nhiệt độ, BOD5, COD, kiểm tra các chỉ tiêu trên mẫu cá: Định lượng vi khuẩn tổng số, Phân lập và định danh các loài vi khuẩn Pseudomonas spp; Aeromonas spp; streptococcus spp; ký sinh trùng. Sau khi có kết quả phân tích Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo đến phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế thành phố, các tổ chức cá nhân tại các vùng nuôi tập trung biết để quản lý lồng, bè nuôi và hướng dẫn kỹ thuật phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi tổ chức nắm bắt tình hình hoạt động khai thác thủy sản đặc biệt là hoạt động khai thác cá Ngần trên hồ thủy điện Hòa Bình đang trong thời gian chính vụ khai thác, tổ chức quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản theo hướng giảm sản lượng khai thác tăng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thả cá giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trên vùng hồ thủy điện Hòa Bình trong thời gian Lễ hội cá, tôm sông Đà lần thứ hai. Tăng cường kiểm soát chất lượng của toàn chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, đến quy trình sản xuất, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản cho cán bộ quản lý thủy sản cấp huyện, xã và nhân dân. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân tiếp cận, học tập, áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả. Triển khai các kế hoạch, những văn bản chỉ đạo có liên quan đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Bám sát địa bàn, nắm bắt thông tin, hỗ trợ các địa phương triển khai các kế hoạch phát triển sản xuất đảm bảo chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Tăng cường kiểm tra cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng, bè đối tượng nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học dùng trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền cho người dân hiểu và sử dụng con giống đã được kiểm dịch, thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất để xử lý, cải tạo môi trường dùng trong thủy sản đảm bảo chất lượng, đúng quy định hướng dẫn của nhà sản xuất. Tổ chức nắm bắt tình hình hoạt động khai thác thủy sản, xem xét đề xuất các văn bản chỉ đạo tổ chức quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản theo hướng giảm sản lượng khai thác tăng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt./.