Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức PPP có tổng mức đầu tư dự án 9.382 tỷ đồng, xây dựng tuyến đường dài 23,04km. Trong đó, đi qua địa phận thành phố Hà Nội (Km6+680-Km13+050) dài 6,37km; địa phận tỉnh Hòa Bình (Km13+050- Km29+719) dài 16,67km. Có 2 phương án đầu tư xây dựng dự án. Tỉnh lựa chọn phương án 1 quy mô 6 làn xe cao tốc Đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc với quy mô 06 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h (GPMB: Địa phận thành phố Hà Nội theo quy mô chỉ giới xây dựng cao tốc 6 làn xe hoàn chỉnh; địa phận tỉnh Hoà Bình theo quy mô mặt cắt ngang quy hoạch hoàn chỉnh bề rộng từ 80m-110m): Tận dụng 02 làn xe hiện tại, xây dựng đảm bảo quy mô 06 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, các đoạn đường gom cần thiết để kết nối hai bên tuyến; tận dụng tối đa kết cấu đường hiện tại; tính toán tầm nhìn dài hạn lưu lượng giao thông tới năm 2045).
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh và đơn vị tư vấn đã trình bày về quy mô, thiết kế dự án; giải trình làm rõ một số nội dung về nguồn vốn, phương án triển khai, báo cáo hiện trạng trước khi triển khai dự án.
Về nội dung này, đồng chí Nguyễn Phi Long, UV dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình là công trình rất quan trọng, có tác động to lớn tới phát triển kinh tế - xã hội địa phương và vùng Tây Bắc- mở thông và tạo hành lang kinh tế của vùng; do đó Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tập trung nguồn lực, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng. BTV Tỉnh ủy thống nhất với quy mô dự án; thống nhất triển khai dự án hình thức PPP. Bí thư giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, chuẩn bị sẵn những điều kiện tốt nhất về mặt bằng, đất đắp để sẵn sàng cho dự án.Yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh tập trung các nguồn lực để triển khai dự án; có phương án trong việc tăng thu, đặc biệt là tăng thu từ tiền sử dụng đất để chi cho đầu tư phát triển; các địa phương phải có kế hoạch cụ thể trong thực hiện tăng thu, điều hành ngân sách, tiết kiệm tối đa để chi cho đầu tư phát triển. Đề nghị các địa phương, các cấp, các ngành thực hiện theo phương châm “4 nhất”: Quyết tâm chính trị và trách nhiệm cao nhất trong giải phóng mặt bằng; Thực hiện nhanh nhất trong tổ chức triển khai GPMB triển khai dự án; Đảm bảo chất lượng dự án tốt nhất; Đảm bảo dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng phải hiệu quả nhất.
Dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+00 đến Km53+00 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) có tổng mức đầu tư được duyệt là 9.777 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách Trung ương là 8.243 tỷ đồng; nguồn vốn từ ngân sách tỉnh 1.534 tỷ đồng, dự kiến bố trí giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn tăng thu, nguồn thu tiền sử dụng đất. Hiện dự án chưa được bố trí vốn, chưa khởi công, đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án. BQL dự án đã làm việc với các địa phương giải quyết khó khăn vướng mắc về vật liệu đắp, rà soát các vị trí đổ thải, triển khai các thủ tục về giải phóng mặt bằng, tái định cư; triển khai các thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền thẩm định… Do gặp nhiều hạn chế trong việc thu tiền sử dụng đất, Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu cơ quan chuyên môn trực thuộc rà soát, cân đối, đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án chưa thật sự cấp bách đã có, để tập trung bố trí vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách, bao gồm dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+00 đến Km53+00 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình). Hiện dự kiến phương án bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh là 300 tỷ đồng. Dự án đầu tư mới, kéo dài, địa hình phức tạp việc xác định diện tích đất rừng cần chuyển đổi, thực hiện thủ tục chuyển đổi đất rừng mất nhiều thời gian (tổng diện tích đất cần chuyển đổi dự kiến khoảng 352,24 ha).
Cho ý kiến về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo khắc phục những khó khăn còn tồn tại, phấn đấu cuối năm 2023 tiến hành khởi công dự án. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm, phối hợp với Ban Quản lý để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan công tác khai thác đất đắp; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa và các nội dung khác có liên quan thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và môi trường trong quá trình thực hiện dự án. MTTQ các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận của người dân ủng hộ chủ trương đầu tư triển khai các dự án. Việc chỉ đạo các dự án trọng điểm là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, người đứng đầu. Các địa phương cần tập trung quản lý chặt chẽ đất đai, trật tự xây dựng để phục vụ công tác GPMB đối dự án. Yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện mẫu thiết kế các cầu trên công trình.
Hội nghị cũng nghe và cho ý kiến đối với phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách TƯ của chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tỉnh Hòa Bình; giao, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 để triển khai các dự án; Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030./.