DetailController

Thời sự trong ngày

Quyết liệt ngăn chặn bệnh khảm lá hại sắn

19/04/2022 00:00
Từ năm 2020 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở Nông nghiệp PTNT đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống bệnh khảm lá hại sắn. Tuy nhiên, công tác tổ chức thực hiện ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa quyết liệt, đồng bộ, triệt để. Do vậy, tình hình bệnh khảm lá hại sắn trên đồng ruộng vẫn diễn biến rất phức tạp. Đến ngày 12/4/2022, tổng diện tích nhiễm khảm lá sắn là 147,5ha (Lạc Sơn 100ha, Yên Thủy 47,5ha) trong đó diện tích nhiễm nặng có tỷ lệ hại trên 70% là 25ha, chủ yếu tập trung xung quanh tại các ổ bệnh cũ. Do đó, để chủ động các biện pháp ngăn chặn bệnh khảm lá sắn tiếp tục lây lan ra các vùng trồng sắn, ngày 14/4, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành công văn số 913 gửi UBND các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh khảm lá hại sắn đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Hình ảnh thực tế về bệnh khảm lá hại sắn

Đối với UBND các huyện Lạc Sơn,Yên Thủy: Chỉ đạo tổ chức thống kê, phân loại đồng ruộng, xử lý ngay các diện tích sắn nhiễm bệnh, cụ thể như sau: Điều tra xác định ruộng bị bệnh khảm lá sắn, mức độ bệnh và giai đoạn sinh trưởng để áp dụng biện pháp tiêu hủy phù hợp. Phun thuốc trừ bọ phấn trắng (nếu có) trên ruộng sắn nhiễm bệnh và ruộng xung quanh trước khi tiêu hủy 2-3 ngày để ngăn chặn sự truyền bệnh của loài côn trùng môi giới này. Tiêu hủy một phần: áp dụng với các ruộng sắn tỷ lệ bệnh < 70% số cây bị nhiễm bệnh, tiến hành nhổ cây bị bệnh (bao gồm cả hom giống), thu gom, phơi khô và đốt. Tiêu hủy toàn bộ ruộng: áp dụng với các ruộng sắn tỷ lệ bệnh ≥ 70% số cây bị nhiễm bệnh bằng cách cày hay nhổ bỏ toàn bộ (bao gồm cả hom giống), thu gom, phơi khô và đốt. Trường hợp có những ruộng tỷ lệ bệnh <70% nhưng nằm xen kẽ các ruộng phải tiêu hủy toàn bộ thì cũng nên tiêu hủy để tạo quỹ đất liền khoảnh, thuận lợi canh tác cây trồng chuyển đổi.

Sau 15-30 ngày kiểm tra các diện tích đã xử lý, nếu phát hiện còn bệnh hoặc củ sắn còn sót mọc mầm thì tiếp tục tiến hành nhổ tiêu hủy triệt để như hướng dẫn trên.

Diện tích sắn nhiễm bệnh sau tiêu hủy khẩn trương chuyển đổi cây trồng khác kịp tiến độ vụ Xuân Hè như cây ngô sinh khối, cây họ đậu...

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến các hộ trồng sắn xung quanh vùng bị nhiễm bệnh khảm lá sắn; xác định rõ đây là loại bệnh do virus gây ra, bệnh không có thuốc phòng trị, cây đã bị bệnh phải được tiêu hủy kịp thời để tránh lây lan.Giám sát, đôn đốc việc tiêu hủy diện tích sắn nhiễm bệnh, chuyển đổi cây trồng khác; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm trường hợp những tổ chức, cá nhân chây ỳ, không tổ chức thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh khảm lá sắn quy định của pháp luật.

Đối với các huyện, thành phố chưa nhiễm bệnh khảm lá sắn: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến người trồng sắn về tác hại của bệnh khảm lá sắn; tuyệt đối không mua, vận chuyển, sử dụng nguồn hom giống sắn từ những tỉnh, địa bàn đã có dịch. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên điều tra phát hiện bệnh khảm lá sắn tại các vùng trồng sắn và có biện pháp xử lý kịp thời nếu phát hiện nguồn bệnh.

Sở NN&PTNT cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn thuộc Sở phối hợp các với địa phương, doanh nghiệp trong việc phát hiện, tiêu hủy, phòng trừ bệnh khảm lá sắn nhằm tránh bệnh lây lan sang các vùng trồng sắn khác trong tỉnh và hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra cho cây trồng./.