DetailController

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư 2 Dự án quan trọng

25/05/2024 16:30
Thời gian còn lại trong buổi chiều phiên làm việc ngày hôm nay 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) đề nghị: Chính phủ xem xét gia hạn thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây và cần rà soát để bảo đảm không điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu thảo luận tại tổ

Xem xét gia hạn thời gian thực hiện dự án

Góp ý về Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà cho biết: Về phạm vi đầu tư dự án khoảng 128,8 km, triển khai trên địa bàn của 2 địa phương. Trong khi đó, chủ trương đầu tư hiện nay Quốc hội mới đang thảo luận và có thể đến cuối tháng 6 mới phê duyệt chủ trương đầu tư. Do vậy, việc hoàn thành dự án vào năm 2026 chắc chắn sẽ không thực hiện được. Trong khi đó, 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước là 2 tỉnh còn khó khăn nên việc đưa ra yêu cầu 2 năm phải hoàn thành sẽ không khả thi. Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét gia hạn thời gian thực hiện của dự án này.

Liên quan đến hình thức đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, nếu thực sự xã hội hóa được các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư vào dự án thì sẽ rất tốt. Dự kiến tổng mức đầu tư hiện nay là 25.540 tỷ đồng; trong đó, vốn Nhà nước tham gia là 12.770 tỷ đồng; vốn của nhà đầu tư thu xếp cũng là 12.770 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc huy động nhà đầu tư sẽ là thách thức lớn. Do vậy, trong trường hợp không có nhà đầu tư tham gia thì đề nghị Ngân sách Nhà nước phải bảo đảm.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần làm rõ thêm những nội dung liên quan đến phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư đã thực hiện đầy đủ chưa để tránh phải thực hiện điều chỉnh trong những năm tới. Bởi, liên quan đến việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án sẽ liên quan đến việc bố trí nguồn vốn. Do vậy nên có quy định phần vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nếu trong trường hợp không bảo đảm hoàn thành dự án. Đối với quy định kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện mà trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư trong kỳ họp thì xem xét giao lại cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh.

Cần rà soát để bảo đảm không điều chỉnh tổng mức đầu tư

Tham gia ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng: trong nội dung liên quan đến việc điều chỉnh nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thì trên thực tế từ năm 2022, chúng ta đã bố trí kế hoạch đầu tư cho chương trình này triển khai thực hiện và đã bố trí cả nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn sự nghiệp.

Bên cạnh đó, đại biểu Phú Hà cũng cho rằng, đối với đề nghị điều chỉnh bổ sung thêm một số những nhiệm vụ, dự án, mặc dù việc điều chỉnh này không làm tăng tổng mức đầu tư và mục tiêu vẫn đạt được yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn cần rà soát để bảo đảm sẽ không điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Băn khoăn việc điều chỉnh vốn liên quan đến di sản văn hóa, đại biểu nêu vấn đề: hiện nay, Chính phủ đang báo cáo phê duyệt Chương trình MTQG về văn hóa. Do vậy, nếu điều chỉnh thì chỉ cho phép thực hiện đến năm 2025, còn từ năm 2026 trở đi sẽ thực hiện Chương trình MTQG về văn hóa để bảo đảm nguồn vốn của từng chương trình, tiện theo dõi, không bị trùng lắp và chồng lấn trong việc bố trí nguồn vốn./.