Để đảm bảo thực hiện chế độ ưu đãi đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học một cách công khai, công bằng, chính xác và kịp thời, từ năm 2000 đến nay, cơ quan chức năng tỉnh ta đã thụ lý, xem xét giải quyết 3.308 hồ sơ; trong đó có 2.653 đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp và 655 người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp.
Việc thực hiện tốt chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học là do các cơ quan liên ngành của tỉnh mà chủ yếu là ngành Lao động Thương binh và xã hội đã lên kế hoạch, chuẩn bị tài liệu và triển khai tập huấn đến cán bộ làm công tác thương binh-xã hội ở 210 xã, phường, thị trấn, 11 phòng LĐTBXH các huyện, thị và các ngành liên quan như: Bộ CHQS tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội nạn nhân chất độc da cam/đioxin,...
Bằng những hình thức tuyên truyền phổ biến chính sách phong phú, những nội dung của các văn bản pháp luật của Nhà nước đã được tuyên truyền sâu rộng đến khắp các thôn, xóm, làng, tổ dân phố. Quy trình thủ tục hành chính cũng được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ y tế theo mẫu quy định từ cấp xã trở lên trong đó phải đảm bảo đủ 2 điều kiện và có các giấy tờ chứng minh là: Có thời gian tham gia ở chiến trường miền Nam (trong khoảng từ tháng 8/1961 đến 30/4/1975) và có con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh hoặc bị mắc một trong các loại bệnh trong quy định tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/02/2008 của Bộ Y tế. Sau khi thẩm định và xác nhận hồ sơ tại cấp huyện, nếu hồ sơ đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thì Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh ra quyết định hưởng trợ cấp.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết hồ sơ của các đối tượng trên vẫn còn một số sai sót và biểu hiện tiêu cực như: Không thống nhất về loại bệnh bị mắc giữa xác nhận của trạm y tế cấp xã với biên bản của Hội đồng xác nhận cấp xã, hay cấp xã không tổ chức Hội đồng xác nhận dẫn đến tình trạng "xin-cho" bệnh tật của Trưởng trạm y tế xã,... Cụ thể như đợt kiểm tra của liên ngành LĐTBXH-Y tế tại huyện Lạc Thủy và Yên Thủy cuối năm 2011 thì chỉ có 38/60 hồ sơ ở Lạc Thủy và 13/51 hồ sơ ở Yên Thủy đủ điều kiện hưởng trợ cấp...
Trước thực tế đó, ngành chức năng của tỉnh đã nêu ra một số kiến nghị, đề xuất để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác này trong đó chú trọng đến quá trình thiết lập, xét duyệt, thẩm định hồ sơ phải được thực hiện một cách chặt chẽ, nhất là đối với cấp xã; tăng cường công tác quản lý đối với việc cấp giấy tờ hưởng chế độ chính sách ở các cơ quan liên quan; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, coi trọng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cao, kể cả đơn nặc danh nếu có sự việc rõ ràng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và công khai việc xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng; làm rõ những quy trình hay xảy ra vi phạm và hay bị lợi dụng làm giả để ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm trong việc lập hồ sơ hưởng trợ cấp ưu đãi của Nhà nước.