DetailController

Kinh tế

Quan tâm thực hiện chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

30/08/2022 00:00
Bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định. Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã được các ngành chức năng và các địa phương triển khai thực hiện thông qua nhiều hình thức với các hoạt động thiết thực, phù hợp.
Công chức Sở Công Thương tuyên truyền các nội dung về "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022” cho người dân tại Chợ xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc

Công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng được quan tâm. Hưởng ứng Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới (15/3) hằng năm, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền như: Tổ chức mít tinh phát động; diễu hành tuyên truyền; in, treo băng zôn; phát tờ rơi; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa tin trên Trang thông tin điện tử, Bản tin của Sở Công Thương. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực tham gia tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, bản tin của ngành, cơ quan, đơn vị; tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt giao ban, sinh hoạt chi bộ hằng tháng; khuyến khích công chức, viên chức, người lao động tích cực phản ánh, thông tin kịp thời đến cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện những hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng...

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ lưu thông trên thị trường tỉnh cũng được các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường các đơn vị đã phát hiện các hành vi vi phạm như: kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi nhãn hàng hóa; thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng điều kiện bảo quản theo quy chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm…. Các hành vi vi phạm đã được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nhằm kịp thời tiếp nhận thông tin và tư vấn cho người tiêu dùng, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hòa Bình đã triển khai tổ chức đường dây nóng số điện thoại 02183 603 262, qua đó giai đoạn 2019-2022 Hội đã tư vấn về kỹ năng lựa chọn mua, sử dụng hàng hóa và phương pháp tự thương lượng với doanh nghiệp cho 162 trường hợp.

Với việc các ngành chức năng của tỉnh Hòa Bình triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quan tâm chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; tăng cường công tác bảo hành sản phẩm, tư vấn và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng; chủ động, thường xuyên tổ chức các hoạt động khuyến mại, tri ân khách hàng vào các dịp lễ, tết, các thời điểm giao mùa… Từ đó, thói quen, nhận thức của người tiêu dùng trong mua sắm, tiêu dùng cũng thay đổi theo hướng chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm.