DetailController

Thời sự trong ngày

Quan tâm, tạo đà cho kinh tế tập thể phát triển

01/08/2022 00:00
Phát triển kinh tế tập thể, HTX là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. HTX liên tục phát triển ở hầu khắp các quốc gia nhất là ở Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc; đến nay có hơn 3 triệu HTX, đóng góp hơn 10% GDP và bảo đảm đời sống cho hơn một nửa dân số thế giới.
Công ty Tiến Ngân liên kết với Cty FUSA, HTX Tùng Dương xuất khẩu được 10 tấn mía sang thị trường Đức; 6 tháng dầu năm 2022 đã liên kết xuất khẩu được 49 tấn mía sang thị trường EU

Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó xây dựng và phát triển thành phần kinh tế tập thể (KTTT) là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định: Kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực. Ngày 16/06/2022 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, khẳng định tầm quan trọng của phát triển KTTT trong thời kỳ mới.

Nhìn lại thành quả sau 05 thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 29/5/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng, củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, HTX đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 cho thấy sự thay đổi to lớn về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. 5 năm qua, KTTT, HTX được củng cố, từng bước phát triển, xuất hiện thêm nhiều tổ chức KTTT hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Kinh tế tập thể, HTX đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Giai đoạn 2017 - 2020: Tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực kinh tế tập thể đạt 7,7%/năm, vượt 10% chi tiêu Nghị quyết, đến năm 2020 tăng trưởng đạt 112 tỷ đồng; thành lập mới 66 HTX/năm, vượt 78% chỉ tiêu Nghị quyết, đến năm 2020 có 426 HTX, vượt 44% chỉ tiêu; xây dựng được 39 chuỗi giá trị liên kết sản xuất sẩn phẩm nông nghiệp, gấp 13 lần chỉ tiêu Nghị quyết; Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động khá trở lên đạt 65%, vượt 8% chỉ tiêu; Tỷ lệ HTX hoạt động yếu kém còn 8,5%, vượt 17% chỉ tiêu. Thu nhập lao động bình quân trong HTX đạt 4 triệu đồng/người/tháng; 66,2% cán bộ quản lý HTX được đào tạo có trình độ từ sơ cấp trở lên, vượt 10% chỉ tiêu. Tính tới hết năm 2021, tăng trưởng khu vực KTTT đạt 127,5 tỷ đồng, trong giai đoạn tăng trung bình 9,13%/năm, vượt 1,4% chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2025.

Tuy còn một số hạn chế như: Quy mô HTX còn nhỏ, quy mô vốn nhỏ, cơ sở vật chất, công nghệ còn lạc hậu; hàng năm vẫn có HTX giải thể; trình độ của thành viên HTX còn chưa cao…Nhưng không thể phủ nhận kết quả: số lượng HTX tăng theo từng năm, chất lượng hoạt động được nâng lên; các HTX hoạt động đúng bản chất, tập trung vào hồ trợ kinh tế hộ thành viên; trình độ cán bộ quản lý HTX được nâng lên, quy mô, vốn và các lĩnh vực hoạt động được mở rộng, nhiều mô hình khẳng định được vị trí, thương hiệu trên thị trường; HTX từng bước được củng cố và phát triến; thông qua HTX đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên; HTX/THT tham gia tích cực trong chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới.

Để tiếp tục phát triển kinh tế tập thể nhanh và bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể trong công tác đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động, tháo gỡ khó khăn cho HTX, THT. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển KTTT; Bố trí lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, nhất là liên kết sản xuât và tiêu thụ sản phẩm, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao năng lực cán bộ và thành viên tổ chức KTTT. Các tổ chức KTTT tập trung củng cố tổ chức, nâng cao năng lực quản lý điều hành; đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng, giá trị và đa dạng hóa sản phẩm theo yêu cầu thị trường; tích cực thu hút hộ cá thể và doanh nghiệp tham gia thành viên; thực hiện chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh…/.