Toàn tỉnh hiện có 01 Trung tâm GDTX tỉnh; 01 Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp, Hướng nghiệp - Ngoại ngữ và Tin học; 10 Trung tâm GDNN-GDTX huyện, 210 Trung tâm học tập cộng đồng; 01 trường Cao đẳng Sư phạm; 06 trường cao đẳng nghề, 02 trường trung cấp nghề. Tổng số ngành nghề đã được cấp phép đào tạo 36 ngành nghề, trong đó trình độ cao đẳng 20 ngành nghề, trình độ trung cấp 16 ngành nghề.
Theo thống kê những năm gần đây, nhu cầu, xu hướng nghề nghiệp của học sinh THCS được tập trung chủ yếu vào việc tiếp tục học THPT và đi thi đại học, cao đẳng. Năm 2018, có 92,6% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, GDTX có 41% học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng. Số học sinh sau THCS đi học nghề chiếm 2.8% (chưa tính 11% học sinh vào 10 GDTX học với trung cấp nghề); số học sinh sau THCS ở nhà phụ giúp gia đình, đi làm trang trải cuộc sống hoặc vài năm sau mới đi học nghề chiếm 4.6%.
Công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THCS được ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai thực hiện ở tất cả các trường phổ thông, thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt lớp…Công tác phân luồng sau THCS luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở. Mạng lưới thực hiện nhiệm vụ phân luồng sau THCS vùng dân tộc thiểu số (các đơn vị, trường học, đội ngũ giáo viên tư vấn, hướng nghiệp …) được triển khai thực hiện tới cơ sở. Quy mô các trường nghề không ngừng được mở rộng, ngành nghề đào tạo đa dạng thu hút được nhiều người học và từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Công tác liên kết đào tạo vừa học trung cấp nghề vừa học THPT được triển khai thực hiện giữa các trường chuyên nghiệp với các trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh theo học nghề ngay tại địa phương. Chế độ chính sách cho các đối tượng học nghề sau giáo dục THCS từng bước được quan tâm nên đã thu hút được học sinh theo học.
Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học nghề còn thấp, nguyên nhân phần lớn là do các em còn tuổi vị thành niên, phụ huynh vẫn muốn cho con em học trung học phổ thông và học đại học. Một số học sinh sau tốt nghiệp THCS có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn phải đi lao động, làm thuê phụ giúp gia đình nên bỏ học THPT và cũng không tham gia học nghề. Chương trình, chất lượng đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng lao động. Việc tìm kiếm việc làm sau học nghề của học sinh vẫn khó khăn nên chưa thu hút nhiều học sinh tham gia học nghề sau tốt nghiệp THCS. Một số nghề chưa phát huy hiệu quả sau đào tạo, người lao động sau học nghề chưa duy trì được nghề lâu dài.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn khó khăn trong việc xác định nhu cầu học nghề và ngành nghề cần đào tạo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Qua khảo sát, 100% trường THCS, trung tâm GDNN-GDTX có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cơ bản phục vụ công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng sau THCS. 100% trường THCS, trung tâm GDNN-GDTX có chương trình giáo dục hướng nghiệp, phân luồng sau THCS cho học sinh. Đội ngũ giáo viên ở các trường THCS, trung tâm GDNN-GDTX đảm bảo cho công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng sau THCS.Tuy nhiên, một số nhà trường chưa xây dựng đa dạng chương trình và chương trình chưa gắn với hoạt động kinh doanh, sản xuất của địa phương. Mặt khác, một số giáo viên vẫn chưa có cách thức tổ chức hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.
Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan, nhưng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau THCS còn nhiều bất cập, nhất là cơ chế, chính sách còn nhiều tồn tại, chậm được đổi mới. Trong khi đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động chưa phát triển lành mạnh, gây khó khăn cho việc lựa chọn ngành nghề của học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp ở trường THCS thiếu, chưa đáp ứng về chất lượng, trong khi tâm lý chạy theo bằng cấp trong xã hội còn nặng nề.
Mục tiêu đến năm 2025: Toàn tỉnh có 100% trường THCS có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%; Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong nhu cầu việc làm, nhất thiết phải hướng nghiệp tốt. Trong đó, ngành giáo dục đóng vai trò quan trọng nhất, cần tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị mở rộng các mô hình vừa dạy văn hóa, vừa đào tạo nghề cho học sinh để sau ba năm, học sinh vừa tốt nghiệp học văn hóa, vừa có một nghề với chuyên môn kỹ thuật phù hợp để vào đời. Cần phát huy tính chủ động của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông; tăng cường xã hội hóa trong hướng nghiệp, phân luồng học sinh./.