DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Quan tâm đầu tư thực hiện Chương trình du lịch phát triển nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

14/08/2024 16:30
Thời gian qua, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được chính quyền các cấp quan tâm đầu tư phát triển tương đối nhanh. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, dự án, đề án nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại các khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các địa phương khai thác tiềm năng về bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường cho phát triển du lịch

Đặc biệt, để phát triển loại hình du lịch cộng đồng tương xứng với tiềm năng sẵn có và kết hợp có hiệu quả với chương trình xây dựng nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 10/3/2020 về việc ban hành Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”. Chủ trương huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, khai thác giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách đến trải nghiệm, thụ hưởng và cảm nhận những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Hòa Bình. Hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch, nhằm khai thác tiềm năng về bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường cho phát triển du lịch, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 109/KH-SVHTTDL ngày 19/01/2024 triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024. Trong đó tập trung xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng; sản phẩm Lưu niệm - Nội thất - Trang trí về lĩnh vực du lịch trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Tỉnh Hòa Bình hiện nay có 76,15% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, là địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên, với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, lưu giữ được những giá trị mang đậm bản sắc truyền thống... Đây là những lợi thế để tỉnh Hòa Bình phát triển du lịch nông thôn. Trong những năm gần đây, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được đẩy mạnh, khai thác hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng, đã được khai thác một cách bài bản, có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Hiện toàn tỉnh có trên 20 xóm, bản du lịch cộng đồng các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông với gần 200 homestay tham gia hoạt động kinh doanh lưu trú và các dịch vụ phục vụ du lịch khác, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm.

Các loại hình du lịch nông thôn tập trung phát triển tại Hòa Bình là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn được quan tâm đầu tư, hoạt động rất hiệu quả, phát triển tương đối nhanh như: Mô hình du lịch cộng đồng hoạt động theo hợp tác xã tại bản Lác, bản Hang Kia, huyện Mai Châu. Mô hình hoạt động du lịch cộng đồng theo Chi hội du lịch cộng đồng tại các xóm Mu, Khướng, Mòn, Sát Thượng (huyện Lạc Sơn). Mô hình hoạt động du lịch cộng đồng theo Công ty cổ phần tại các xóm Ké, Đức Phong (Đá Bia cũ), xóm Sưng thuộc huyện Đà Bắc. Mô hình doanh nghiệp du lịch liên kết hợp đồng thống nhất phân chia lợi nhuận với các hộ gia đình khai thác kinh doanh du lịch cộng đồng tại xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Ngoài ra còn có các Hộ gia đình tự phát, tổ chức phục vụ theo nhu cầu của du khách.

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh có 5 xóm, bản du lịch cộng đồng được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 - 4 sao, gồm: du lịch cộng đồng Hang Kia, du lịch cộng đồng bản Lác (Mai Châu) và du lịch cộng đồng Đá Bia (Đà Bắc) đạt 4 sao; du lịch cộng đồng xóm Lũy Ải (Tân Lạc) và du lịch cộng đồng xóm Ngòi đạt 3 sao. Ngoài ra còn nhiều điểm cộng đồng đã được công nhận danh hiệu Du lịch cộng đồng ASEAN, nhiều hộ gia đình hoạt động du lịch cộng đồng phục vụ hàng nghìn khách du lịch mỗi năm. Bên cạnh đó tỉnh Hòa Bình đã có các trang trại, khu sản xuất nông nghiệp cung cấp sản phẩm phục vụ du khách như rau hữu cơ ở Tân Lạc, cam Cao Phong, gà Lạc Thủy, khu nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình. Hình thành một số mô hình trang trại phục vụ nghỉ dưỡng và trải nghiệm cho du khách như: Trang viên đồng gội, Nông trại vui vẻ tại huyện Lương Sơn; trang trại nuôi bò kết hợp trải nghiệm giáo dục, sinh thái tại thành phố Hòa Bình, An Lạc Eco farm tại huyện Kim Bôi. Hiện đã xây dựng các tour du lịch văn hóa gắn với trải nghiệm nông nghiệp, làng nghề tại một số huyện có du lịch cộng đồng phát triển.

Năm 2024, thực hiện Quyết định số 687/QĐ-UBND ngày 19/4/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao dự toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới năm 2024. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung triển khai, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP du lịch nông thôn (tập trung vào chuẩn hóa điểm du lịch cộng đồng xóm Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong) đạt điểm du lịch OCOP từ 3 sao trở lên; Xây dựng quà lưu niệm, đồ trang trí thổ cẩm của hợp tác xã Hoa Ban (Xóm Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu). Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh các di tích văn hóa, lịch sử tỉnh Hòa Bình gắn với du lịch nông thôn tại huyện Cao Phong và Tân Lạc; hỗ trợ cải tạo cảnh quan môi trường du lịch nông thôn. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động du lịch của tỉnh Hòa Bình diễn ra khá nhộn nhịp, toàn tỉnh Hòa Bình đã đón trên 2,8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là  hơn 290 ngàn lượt. Tổng thu từ du lịch 2.928 tỷ đồng. Ước tổng khách du lịch nông thôn đạt 815.000 lượt doanh thu đạt 815 tỷ đồng.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh và các địa phương tập trung tăng cường hỗ trợ các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, thể thao và du lịch đã đề ra. Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn. Có cơ chế, chính sách đặc thù về vấn đề phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại mỗi khu vực nhằm phát triển kinh tế mang tính tổng hợp. Xây dựng Bộ tiêu chí phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt quan tâm về vấn đề bảo vệ môi trường, cảnh quan, điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa. Bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn. Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông thôn. Phát triển nông nghiệp hàng hóa, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền tạo chuỗi giá trị kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái./.