Cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được đồng bộ. Trong đó, hạ tầng giao thông đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh đã nâng tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường xã, đường từ trung tâm xã đạt 88%, vượt kế hoạch đề ra đến năm 2025; tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản đạt 71,6%; tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường ngõ, xóm đạt 60,53%. Bên cạnh đó, hệ thống các công trình thủy lợi, điện nông thôn từng bước được quan tâm đầu tư; vệ sinh môi trường nông thôn từng bước được cải tạo. hạ tầng đô thị, công nghiệp, thương mại được đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và có bước chuyển biến tích cực; hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu, điện, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, văn hóa - thể thao - du lịch được quan tâm đầu tư, tạo ra diện mạo mới cho tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai rộng khắp, trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa trên địa bàn các huyện, thành phố, bước đầu đã nâng cao giá trị sản xuất của các tổ chức cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 158 sản phẩm OCOP. Trong đó 22 sản phẩm hạng 4 sao; 124 sản phẩm hạng 3 sao và 12 sản phẩm tiềm năng 4 sao. Các sản phẩm OCOP nhận được sự đón nhận của đông đảo Nhân dân trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, góp phần tăng thu nhập người dân, đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 403 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Ngành Nông nghiệp đã phối hợp xây dựng dự toán thực hiện chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2024; triển khai các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông sản đặc trưng, thế mạnh của tỉnh; tiến hành kích hoạt 77.000 tem ra thị trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Ngoài ra, Ngành thực hiện rà soát các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đạt đủ tiêu chí theo quy định, hướng dẫn làm trình tự thủ tục đề nghị công nhận; đồng thời đôn đốc các địa phương tiếp tục tuyên truyền, tập trung hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề của địa phương.
Ngành Nông nghiệp chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát các điểm dân cư bị ảnh hưởng thiên tai. Hướng dẫn các địa phương thực hiện bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do theo quy định. Ngoài nguồn vốn để triển khai thực hiện, còn có sự lồng ghép từ các Chương trình giảm nghèo, Chương trình Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.
Đến nay, toàn tỉnh 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 62%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 75 Khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu và 3 huyện, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Hòa Bình, Lương Sơn, Lạc Thủy). Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 2 xã; số xã đạt từ 10-14 tiêu chí là 47 xã. Không có xã đạt dưới 10 tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh./.