DetailController

Thời sự trong ngày

Phương án đón, nhận công dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 trở về từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam

11/10/2021 00:00
Ngày 10/10/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Văn bản số 201/PA-UBND về phương án đón, nhận công dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 trở về từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Theo đó, mục đích là đón nhận kịp thời các công dân tỉnh Hòa Bình gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nhu cầu cấp thiết trở về tỉnh Hòa Bình.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu: Chủ động, tích cực chuẩn bị mọi mặt từ đăng ký, vận chuyển, đón nhận, cách ly, xét nghiệm với khả năng cao nhất; điều hành kịp thời, thống nhất, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly; không để lây nhiễm đối với cán bộ, chiến sỹ, lực lượng y tế và các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ đón nhận công dân về quê và cộng đồng dân cư. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng, chống dịch và các điều kiện về công tác hậu cần như ăn, ở, sinh hoạt... cho công dân tại các khu cách ly tập trung.

Đối tượng: Là công dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hòa Bình hoặc có gia đình (bố, mẹ, vợ, chồng, con) đang thường trú tại tỉnh Hòa Bình hiện đang tạm trú/lưu trú, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nhu cầu trở về quê  do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp Realtime RT-PCR trong thời hạn 48 giờ tính từ thời điểm bắt đầu rời các tỉnh, thành phố phía Nam để về quê. Trong đó, ưu tiên: Người có bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày; phụ nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi có hoàn cảnh khó khăn; người 60 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng có hoàn cảnh khó khăn; trẻ em dưới 16 tuổi; người lao động bị thất nghiệp, dừng việc dài ngày có hoàn cảnh khó khăn; công dân vào thăm thân nhân, giải quyết công việc đang bị mắc kẹt tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; các trường hợp đặc biệt khác, do UBND tỉnh quyết định trên cơ sở đề xuất của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.

Số lượng: Căn cứ tình hình dịch bệnh và các biện pháp thực hiện cách ly xã hội theo quy định của cấp có thẩm quyền và đăng ký nguyện vọng của công dân với Hội đồng hương Hòa Bình tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam và tình hình thực tiễn tại địa phương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, thẩm định, lập danh sách báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp, xem xét có thể tổ chức đón nhận theo từng đợt.

Về thời gian, đợt 1: Đón, nhận công dân trở về từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; trong khoảng từ ngày 11/10 đến ngày 16/10 năm 2021; phương tiện ô tô; nguồn kinh phí công dân chi trả toàn bộ kinh phí khi về Hòa Bình bao gồm: Kinh phí vé ô tô, kinh phí xét nghiệm trước khi về Hòa Bình; kinh phí trong thời gian cách ly tập trung (trừ các trường hợp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ các chi phí theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính Phủ). Các đợt tiếp theo: Thời gian, số lượng, phương tiện: Căn cứ điều kiện thực tế của các địa phương, UBND các huyện, thành phố; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao đổi với Hội đồng hương báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Thực hiện cách ly y tế khi về đến Hòa Bình: Tất cả công dân trở về từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đều  phải thực hiện theo Công văn số 191/CV-BCĐ ngày 23/9/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hòa Bình về việc áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh hoặc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 áp dụng theo từng thời điểm chỉ đạo của ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Trường hợp công dân có nhu cầu cách ly tập trung tại cơ sở đăng ký dịch vụ cách ly (tại các khách sạn trên địa bàn tỉnh) thì công dân phải đăng ký trước để tỉnh đăng ký giúp và nếu được cơ sở đăng ký dịch vụ cách ly chấp thuận.

Về quy trình tổ chức đón nhận và cách ly tập trung, bước 1: Sở Lao động - Thương binh xã hội chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và Hội đồng hương thông báo tới người dân về chủ trương của tỉnh. UBND các huyện, thành phố và Hội đồng hương thông báo rộng rãi tới công dân quê Hòa Bình đang tạm trú/lưu trú, làm việc, học tập, công tác tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam (thông qua Hội đồng hương các tỉnh, thành phố và Chi hội Đồng hương các huyện, thành phố). Bước 2: Công dân có nguyện vọng về quê thực hiện đăng ký với Hội đồng hương; Hội đồng hương tổng hợp danh sách đăng ký, tiến hành rà soát, xét duyệt theo thứ tự ưu tiên đối với công dân đủ điều kiện; thống nhất danh sách gửi về tỉnh Hòa Bình (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để xem xét, thống nhất thời gian tổ chức đón, nhận và thành lập Đoàn công tác tổ chức đón nhận công dân về quê (nếu thấy cần thiết). Bước 3: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển danh sách công dân đủ điều kiện đón nhận về quê cho UBND các huyện, thành phố để kiểm tra, rà soát danh sách và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho công tác tổ chức cách ly tập trung ngay khi công dân về tới tỉnh Hòa Bình; UBND các huyện, thành phố thông tin lại cho Sở Lao động- Thương binh và Xã hội về danh sách công dân đón nhận về quê, những khó khăn, vướng mắc nếu có (như danh sách công dân; khả năng bố trí cách ly tập trung...). Bước 4: Sau khi có số liệu cụ thể về lao động có nhu cầu về, Sở Lao động-  Thương binh và Xã hội chủ trì, thống nhất với Sở Giao thông - Vận tải về phương tiện vận chuyển. Sở Giao thông - Vận tải làm việc với các đơn vị vận tải báo giá kinh phí vận chuyển và thông báo cho Hội đồng hương, UBND các huyện thành, phố để thông tin cho người lao động được biết. Bước 5: Sau khi có ý kiến nhất trí của người lao động về kinh phí vận chuyển (thông qua Hội đồng hương và UBND các huyện thành, phố), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo UBND tỉnh số lượng, danh sách, thời gian, phương tiện, địa điểm tổ chức đón, nhận công dân tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam , đồng thời thông báo nội dung này tới: UBND các huyện, thành phố để phối hợp thực hiện; Hội đồng hương để thông báo tới công dân và thực hiện các công việc cần thiết tiếp theo; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để phối hợp, giúp đỡ Hội đồng hương và công dân thực hiện xét nghiệm COVID-19, tiêm phòng vắc xin (nếu có thể) và chuẩn bị đưa công dân tới địa điểm tập trung. Bước 6: Căn cứ danh sách chính thức đón nhận công dân, Hội đồng hương và UBND các huyện, thành phố kịp thời thông báo tới từng công dân về kinh phí, thời gian, địa điểm tổ chức đón, đưa công dân về quê; liên hệ, phối hợp với Sở Lao đông - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm COVD-19, tiêm phòng vắcxin (nếu có thể); nhắc nhở công dân chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cá nhân cần thiết như: CMTND/Căn cước công dân/Hộ khẩu/Giấy khai sinh đối với trẻ em; phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (bằng phương pháp RT- PCR) còn hiệu lực trong vòng 48 giờ tính đến thời điểm bắt đầu khởi hành từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về tỉnh Hòa Bình; chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay để sử dụng thường xuyên; thực hiện nghiêm 5K trong suốt quá trình di chuyển về quê. Bước 7: Hội đồng hương phối hợp với đơn vị vận chuyển thông báo cho công dân tới địa điểm tập trung đảm bảo đúng thời gian quy định; tổ chức bàn giao công dân cho Đoàn xe đón, nhận công dân của tỉnh Hòa Bình tiếp quản và thực hiện di chuyển về Hòa Bình theo chương trình thống nhất với đơn vị vận chuyển. Bước 8: Sở Lao động -Thương binh và Xã hội thông báo cho UBND các huyện, thành phố thời gian, địa điểm tiếp nhận công dân và đưa ngay về khu cách ly tập trung của địa phương, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định./.