Từ bàn tay khéo léo, kết hợp với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, đến tuổi mười sáu, mười bảy đa số các em gái đã thành thạo công việc dệt vải, vá may. Bên khung cửi đơn sơ, mộc mạc, người phụ nữ làm ra áo,váy, chăn, màn,gối, đệm…phục vụ nhu cầu sử dụng của bản thân và đảm bảo cái mặc cho cả gia đình. Người lớn tuổi truyền dạy cho người trẻ tuổi. Thế hệ con cháu chân thành tiếp thu, giữ gìn và phát huy nghề nghiệp của tổ tiên truyền lại. Không để cho nghề bị thất truyền, mãi còn được tiếp nối. Trồng bông, dệt vải, nuôi tằm đã trở thành tập quán tốt đẹp, là niềm đam mê thẳm sâu trong tiềm thức của người phụ nữ Mường.
Bây giờ, trên thị trường tràn ngập các loại vải vóc, hàng hoá không còn khan hiếm như thời bao cấp. Người ta có thể ra chợ thoải mái lựa chọn các mặt hàng theo sở thích. Với nhiều màu sắc, chất liệu, giá cả phù hợp nhu cầu của người sử dụng. Nhưng nghề dệt thủ công không vì thế mà bị lãng quên, nó vẫn âm thầm tồn tại và phát triển. Người phụ nữ Mường vẫn trân trọng, nâng niu, trau chuốt cho khung dệt truyền thống cùng các sản phẩm do bàn tay họ làm ra. Có nhiều sản phẩm chỉ sản xuất được trên khung dệt thủ công, bởi bàn tay tài hoa, chuyên cần của người phụ nữ. Công việc dệt vải tuy không tốn nhiều công sức, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, thận trọng và mất nhiều thời gian. Đòi hỏi người lao động phải kiên trì và có niềm đam mê thực sự. Trước đây, rất ít khi người phụ nữ mang bán các sản phẩm dệt do họ tự tay làm ra. “Của một đồng, công một nén”, nó là kỉ niệm, bán đi tiếc lắm! Nên họ để lại sử dụng trong gia đình, đem biếu, tặng cho những người thân yêu. Ngày nay nghề dệt thủ công được chị em chăm lo, chủ động đầu tư, nâng cấp, phát triển. Sản phẩm làm ra trở thành hàng hoá có giá trị cao, không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương mà còn được giới thiệu tại các siêu thị ở các thành phố lớn và bán cho khách du lịch. Các mặt hàng dệt thủ công thống do phụ nữ Mường làm ra ngày càng được thị trường ưa chuộng. Nhờ vậy nghề dệt truyền thống của dân tộc Mường có cơ may hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Chị em sáng tạo được thêm nhiều mẫu mã, hoa văn đẹp. Sản phẩm, hàng hoá ngày càng đa dạng phong phú, được thị trường chấp nhận.Tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều chị em phụ nữ trong các vùng Mường.
Đêm đêm người thiếu nữ ngồi bên khung dệt, dưới ánh đèn soi sáng cho đôi bàn tay thoăn thoắt đưa thoi, thả hồn theo từng đường nét hoa văn đang hiện dần lên trên mặt vải, tiếng “con ác” kẽo kẹt đêm khuya trở thành kỉ niệm đẹp của biết bao người phụ nữ về một thời con gái mê say, nồng nàn khát vọng.
Nhớ những đêm trăng sáng. Bạn bè cùng trang lứa lại tụ tập nhau về bên cái “khạp”-(sạp bằng tre )dựng trước cửa voóng nhà sàn . Con gái thì se sợi, chuốt chỉ, cán bông. Con trai chẻ lạt, vót nan... Tiếng hát, tiếng cười nói râm ran, vui vẻ ,đan trong tiếng sa quay lách cách đều đều âm vang. Mọi người say sưa công việc. Đến khi trăng xế bóng sau đồi, đi tìm chỗ ngủ từ lúc nào mà chẳng ai hay biết!
Từ dệt vải đã gắn kết những người con gái, con trai trong Mường lại với nhau. Họ chia sẻ tình cảm, kinh nghiệm. Khám phá, học tập những điều mới mẻ trong cuộc sống và trong công việc. Nhiều đôi nên chồng nên vợ từ những đêm gặp gỡ, hẹn hò kéo sợi dưới ánh trăng vàng. Nhờ biết dệt vải mà “vị thế” của người phụ nữ được chân trọng, nâng cao, là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để cho cánh mày râu chọn lựa bạn đời.
Nhờ được sự chỉ bảo ân cần của các bà, các mẹ cộng với tinh thần cần cù, ham học hỏi; nhiều mùa trăng đi qua;bao đêm gắn bó bên khung cửi, các cô gái đã thành thạo công việc dệt vải, vá may. Đến tuổi lấy chồng, mỗi cô gái đã có một, hai chục chiếc chăn, đệm, cùng nhiều sản phẩm dệt khác được các cô đem theo về nhà chồng làm của “ hồi môn”.
Mới đầu ta cứ tưởng trang phục phụ nữ Mường đơn giản. Tìm hiểu kỹ mới thấy vấn đề ăn mặc của họ cũng khá cầu kỳ. Chỉ riêng vải dùng để may một chiếc váy cho người phụ nữ trưởng thành thôi, yêu cầu khổ vải phải rộng một mét sáu! Độ dài của phần thân váy được tính từ eo xuống sát gót chân. Toàn bộ thân váy được nhuộm mầu đen. Nối với thân váy phía trên là phần vải có hoa văn được gọi là “cao”,đây là phần vải trung gian, rộng chừng mười phân nối thân váy với cạp váy phía trên. Cạp váy cũng được ráp nối từ hai phần vải riêng biệt, có hoa văn khác nhau. Gọi là “rang trên”và “rang dưới”. Chiều rộng của mỗi “rang” khoảng hai mươi phân.
Các sản phẩm được tạo ra từ cái khung dệt đơn sơ, mộc mạc, dưới đôi tay bền bỉ, chứa chan tình cảm của người phụ nữ. Đem dùng làm vỏ chăn hay may thành váy, áo, chăn, đệm… vừa bền đẹp lại vừa tiện lợi khi sử dụng. Mỗi sản phẩm, không chỉ mang giá trị vật chất đơn thuần, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc, phản ánh quan niệm của người Mường về thiên nhiên, vũ trụ và cuộc sống xung quanh. Người phụ nữ chính là tác giả của sự sáng tạo nghệ thuật đó.
Hoa văn trên cạp váy của phụ nữ Mường lâu nay đã thu hút sự tìm tòi, nghiên cứu, giải mã của nhiều nhà nghiên cứu. Giáo sư Từ Chi đã tìm thấy sự tương đồng giữa hoa văn trên cạp váy Mường với hoa văn trang trí trên mặt trống đồng Đông Sơn.
Trang trí trên cạp váy Mường là một công việc công phu. Phần lớn thời gian truyền dạy của các nghệ nhân dân gian cho người học là dành cho công đoạn này. Hay nói theo ngôn ngữ hiện nay là công đoạn thiết kế.
Muốn thể hiện được các đường nét theo yêu cầu của từng sản phẩm người ta phải chọn lựa màu sắc cho từng loại chỉ. Ta thấy các nghệ nhân – chủ nhân của các khung dệt có cách phối màu hết sức phong phú. Bao gồm mầu cam, đỏ thẫm, tím, xanh, đen, trắng… Thông thường trên một chiếc cạp váy mầu vàng cam được thiết kế chạy dọc hai mép ngoài cùng của chiếc cạp váy. Các mầu đỏ, xanh, tím …được cho chaỵ vào khoảng giữa của sản phẩm. Tuy nhiên sự sáng tạo còn tuỳ thuộc vào từng sở trường của các nghệ nhân. Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, các cạp váy không có cái nào giống cái nào về sắp xếp mầu sắc. Các hàng miêu tả các hoa văn cũng không giống nhau. Có khi là ba hàng lớn trên một chiếc cạp váy được thể hiện hình tượng rồng cách điệu, hay hình rồng uốn lượn. Cũng có trường hợp số hàng chạy trên cạp váy lên đến bẩy hàng, thậm chí có trường hợp lên chín hàng. Trên mỗi hàng là hình cách điệu của các con vật và hình hoa lá. Ranh giới các hàng lớn lại được thiết kế các hình tam giác, hình thoi xếp ngược nhau. Có khi chỉ đơn giản là đường chỉ mầu chạy song song với hàng lớn. Các hoạ tiết, hoa văn trên cạp váy được trang trí trên hàng lớn thường là hình rồng tranh châu, rùa, chim công, phượng hoàng, hươu, nai. Hình con dơi. Hình con nhện, hình cầu vồng….Lại có cả các hình hoa lá cách điệu cũng được các nghệ nhân trang trí cho tác phẩm cạp váy của mình.Tiêu biểu là hình lá vẹn, trái mê…Rang dưới của chiếc cạp váy được thể hiện sinh động nhất các hình hoạ cách điệu. Rang trên chủ yếu tập trung trang trí các hoạ tiết hình học như hình vuông, hình thoi, sắp xếp linh hoạt, cân đối. Tuy thế cũng không kém cầu kì, phức tạp cả về đường nét và cách sử dụng mầu sắc . Tất cả tạo nên bộ trang phục phụ nữ Mường vừa trang nhã lại vừa kín đáo mà lại thanh thoát, dịu dàng.