Hiện nay trà lúa mùa sớm đang giai đoạn ôm đòng, có nơi bắt đầu trỗ bông, bộ lá công năng đã xuất hiện nên việc phòng trừ bệnh càng trở lên cấp thiết; do dó rất cần sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp. Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn gây ra nên tốc độ lan truyền của bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn trên đồng ruộng là rất nhanh chóng, đặc biệt khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi (nền nhiệt độ cao, có mưa dông, gió bão), có thể gây khô cháy toàn bộ bộ lá, khiến năng suất lúa sụt giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế tại một số huyện, thành phố cho thấy công tác chỉ đạo phòng trừ ở cơ sở còn rất lúng túng và chậm; còn nhiều hộ nông dân không nắm được thông tin và xử lý không kỹ thuật, trong đó tình trạng sử dụng không đúng thuốc đặc trị, phun thuốc kèm với phân bón lá là khá phổ biến, khiến cho bệnh càng hại nặng thêm. Để giảm thiểu tác hại do bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn hại lúa gây ra Chi cục bảo vệ thực vật vừa có công văn về việc chủ động phòng chống bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn hại lúa vụ mùa năm 2013. Đồng thời đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường bám sát địa bàn chỉ đạo cơ sở và hướng dẫn nông dân tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh bác lá, đốm sọc vi khuẩn hại lúa thông tin tuyên truyền các biện pháp phòng trừ bệnh hại đến người nông dân bằng mọi hình thức như các cuộc tập huấn, hội thảo, hướng dẫn trên thực địa; thông tin trên bảng tin của thôn xóm, hệ thống loa truyền thanh xã, đài phát thanh truyền hình các huyện, thành phố...Tại những nơi bệnh đã xuất hiện trên diện rộng theo từng cánh đồng như vùng Hợp Thành (Kỳ Sơn); Cư Yên (Lương Sơn); Yên Mông, Trung Minh (TP Hòa Bình); Văn Sơn (Lạc Sơn)...; việc xử lý đã vượt quá khả năng tự chủ của người nông dân, cần có sự hỗ trợ về thuốc, máy bơm động cơ từ chính quyền để giúp nông dân phòng trừ kịp thời.
Trong quá trình chỉ đạo phòng trừ bệnh hại, cần áp dụng triệt để các biện pháp phun phòng là chính, xử lý càng sớm càng tốt ngay khi bệnh chớm xuất hiện trên ruộng; giữ mực nước trong ruộng ổn định khoảng 5cm; không bón đạm, phun phân bón lá hay thuốc kích thích sinh trưởng trên ruộng lúa đã nhiễm bệnh và chưa được xử lý nguồn bệnh; đảm bảo đủ liều lượng thuốc phun khoảng 600 lít nước thuốc đã pha/1 ha; phun kép 2 lần (lần 2 cách lần 1 khoảng 7 ngày); không phun thuốc khi lá lúa còn ướt hay khi nhiệt độ không khí trên 35oC; không phun thuốc khi trời sắp mưa...